Đọc vài trang rồi ngủ. Đêm đã khuya lắm rồi. Nhưng không ngủ được. Là vì nghe một câu chuyện kể về các em ở cao nguyên đá Đồng Văn. Đại ý là hai em nhỏ mặc trang phục truyền thống của bà con đồng bảo, thấy du khách đi qua thì nắm bó hoa vẫy vẫy. Hiếu khách chăng? Đó là một lời mời mua hoa. Những bông hoa dại của vùng cao nguyên đá Đồng Văn.

Câu chuyện thật là thú vị. Mắt lướt trên mặt chữ nhưng trong hình dung nó như những “thước phim” chiếu chậm về một vùng thiên nhiên tuyệt mỹ chạy qua.

Điều làm tôi nghĩ ngợi là các em tuổi nhỏ quá mà đã làm dịch vụ - hoặc là bán hoa, hoặc là chụp ảnh cùng… đều phải có tiền.  Có ai đó nói rằng, du lịch đã đến đâu, ngoài việc nó làm cải thiện đời sống của người dân bản địa thì không nhiều thì ít, văn hóa truyền thống mất đi một ít. Sự hồn nhiên, chân chất, chân tình vốn là điều tốt đẹp của người dân sống ở làng quê cũng có phần phai nhạt. Có khi đây là một sự đánh đổi mà trong mỗi chúng ta không hề mong muốn. Nhưng đó là một sự thật hiển nhiên ở nhiều vùng du lịch.

Thôi thì đó là chuyện của du lịch. Giờ nói về các em.

Đôi khi trong mỗi người lớn chúng ta đều có sự thờ ơ và trẻ em vẫn còn bị lợi dụng cho cuộc mưu sinh nhiều lắm. Cứ ra nhiều hàng quán là sẽ rõ. Rất nhiều trẻ em đi bán hàng rong, lúc thì bì bánh phồng tôm, có khi là bì ổi, bì đậu phụng dù chúng đang ở tuổi đến trường…

Báo chí đã từng đề cập đến một địa phương có hẳn chỉ thị hẳn hoi: ai thấy người bán hàng rong, đặc biệt là các em nhỏ, báo với chính quyền là được … thưởng. Thế chính quyền làm gì? Chính quyền đưa họ về để giúp đỡ. Người già không nơi nương tựa thì được chăm sóc tốt hơn. Trẻ em nếu “ lang thang cơ nhỡ” thì được nuôi dạy tốt hơn. Đó là một câu chuyện vừa “ quyết liệt” vừa nhân văn.

Ở tỉnh ta bây giờ tình trạng trẻ em đi bán hàng rong rất nhiều. Và dường như câu chuyện này ít được mấy ai quan tâm.

Nhiều khi ngồi ở hàng quán, chỉ một hai tiếng đồng hồ thôi, đã có rất nhiều em, có khi ước chừng 4 -5 tuổi mời mua bì đậu, bì ổi. Không biết mọi người thế nào chứ trong tôi có sự “ phân tâm” thế này: có khi anh em trả một bữa ngồi vài trăm ngàn, thế thì việc gì không mua giúp các cháu bì đậu chỉ mười ngàn. Nhưng cũng có khi “bụng bảo dạ” là lần sau sẽ “ kiên quyết” không mua. Bởi làm như thế là tạo ra điều kiện để các em tiếp tục đi bán hàng, mà nhiệm vụ này đáng ra là bố mẹ chúng, người lớn phải làm! Và biết đâu có những ông bố, bà mẹ thiếu trách nhiệm lợi dụng sự rủ lòng thương của mọi người đối với trẻ em mà lợi dụng! Điều này không hề võ đoán. Tôi đã từng thấy những chỉ lớn tuổi, có thể là mẹ của chúng, đi honda chở một hai cháu. Họ đứng đằng xa. Và các cháu xuống xe mỗi cháu vài túm đậu rang đi mời khách. Chúng mời xong rồi ra lại chỗ người phụ nữ kia, lên xe, chắc là đi nhiều hàng quán khác. Cũng có những bà mẹ trẻ (mà cũng chưa chắc là mẹ) “ gói” đứa bé trước bụng. Nói gói là chính xác. Đứa trẻ cứ ngoặt nghẹo. Giờ này đâu phải giờ ngủ của trẻ. Vừa thương vừa không tin.

Thú thật, khi thấy những cảnh này, trong mỗi người lớn chúng ta thấy vừa thương vừa giận. Vừa muốn bỏ qua, vừa muốn giúp đỡ. Dù có suy nghĩ thế nào đi nữa thì tình cảnh nói trên, đến thời điểm này vẫn chưa được cải thiện. Vì suy cho cùng, chúng ta, như tôi chẳng hạn, cũng chỉ là một kẻ qua đường. Giúp họ vài đồng đấy, khuyên bảo họ vài câu đấy… nhưng không chắc chắn gì họ đã nghe. Và như thế, trẻ em vẫn còn tiếp tục bị lợi dụng cho cuộc mưu sinh của nhiều người.

Luật bảo vệ trẻ em đã có. Chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề và xem xét những hành vi như thế này có phải là lạm dụng trẻ em không? Nếu có thì tại sao nó tồn tại một cách nghiễm nhiên như vậy? Ai chịu trách nhiệm chính để giải quyết vấn đề này?

Để giải quyết tận gốc vấn đề, chắc chắn phải là chính quyền. Chính quyền mới có lực lượng chuyên trách và các công cụ pháp lý trong tay. Còn những người “qua đường” như chúng ta, hãy suy nghĩ về chuyện đặt lòng thương đúng chỗ !

Cát Sơn