Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam từ 11/9-13/9/2018. Ảnh: AFP

Sự chuyển mình của ASEAN

Nói ngắn gọn về sự biến đổi của ASEAN,  Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho rằng, “ASEAN đã giúp biến đổi Đông Nam Á thành một khu vực của sự hợp nhất; từ các nước đói nghèo thành vùng đất của các cơ hội, và; từ một vùng bất ổn thành một hệ sinh thái hòa bình, ổn định và thịnh vượng”.

Mở rộng vòng tay đón chào Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ASEAN đang nhanh chóng biến thành một trung tâm công nghệ với cảnh nở rộ các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. ASEAN là nơi có một số công ty khởi nghiệp xuất sắc - có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên - như Grab, Sea và Go-Jek.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư giúp nâng cao công nghệ mới cho khu vực cũng kéo theo nhiều cảm xúc lẫn lộn nảy sinh. Một mặt, đó là sự phấn khích thực sự với hy vọng những công nghệ mới này có thể làm cho cuộc sống của hàng triệu người trong khu vực trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, mặt khác, nhiều nhà quan sát lo ngại rằng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) có thể dẫn đến việc thất nghiệp trở nên phổ biến.

Khi tác động toàn cầu của ASEAN tăng lên, tầm ảnh hưởng và tầm quan trọng về địa chính trị của khu vực cũng có xu hướng tương tự. Với vị trí chiến lược của khu vực trên bản đồ, Đông Nam Á đã nhận được sự quan tâm chưa từng thấy từ các cường quốc toàn cầu, cụ thể là Mỹ và Trung Quốc. Trong 5 năm qua, Trung Quốc đã xâm nhập vào khu vực này. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã đổ hàng tỷ USD vào các khoản đầu tư cho nhiều dự án cơ sở hạ tầng khác nhau ở hầu hết các nước ASEAN. Trong khi đó, Mỹ cũng đang tìm cách để chống lại những ảnh hưởng của Trung Quốc bằng cách hợp tác với các đồng minh trong Quad, bao gồm Australia, Nhật Bản và Ấn Độ.

Ngoài ra, ASEAN cũng phải đối mặt với một số thách thức nội bộ. Hiện tại, Myanmar đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo với người Hồi giáo Rohingya và nền dân chủ đang chịu nhiều sức ép ở các nước láng giềng khác như Thái Lan và Campuchia.

ASEAN đang tiến vào thế kỷ 21 với tốc độ rất nhanh đặt ra những câu hỏi quan trọng và khó khăn về tương lai của ASEAN. Liệu tự động hóa có dẫn đến thất nghiệp hàng loạt không? ASEAN có thể trở thành trung tâm công nghệ toàn cầu tiếp theo được không? Tương lai của nền dân chủ trong khu vực sẽ thế nào?

WEF ASEAN 2018

Đây là nơi mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hy vọng tạo nên sự khác biệt. Nền tảng phi lợi nhuận này nổi tiếng với hội nghị thượng đỉnh hàng năm ở Davos, nơi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các chính trị gia, học giả và bất kỳ ai có ảnh hưởng toàn cầu quy tụ lại để giải quyết một số vấn đề phức tạp nhất trên thế giới.

Bằng cách đưa hội nghị thượng đỉnh đến Đông Nam Á, WEF ASEAN nhằm tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi khó như trên. Với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư”, WEF ASEAN 2018 sẽ chính thức khai mạc vào hôm nay (11/9) tại Hà Nội, quy tụ 900 nhà lãnh đạo trong các lĩnh vực chính trị, kinh doanh, học thuật và dân sự. Đáng chú ý, diễn đàn có sự tham dự của các nhà lãnh đạo quan trọng như Ủy viên Hội đồng Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng mới được bầu của Malaysia Mahathir Mohamad, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, lãnh đạo Campuchia Hun Sen, lãnh đạo của Lào Thongloun Sisoulith và nhiều người khác.

Các nhà lãnh đạo sẽ trao đổi ý kiến trong một cuộc thảo luận có tiêu đề “Những ưu tiên  của ASEAN trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư”. Các cuộc thảo luận khác bao gồm Những vấn đề trong Thương mại: Vượt qua những căng thẳng kinh tế địa lý và Triển vọng kinh tế châu Á, cùng với nhiều phiên họp khác.

Diễn đàn cũng sẽ đặc biệt chú ý đến các doanh nhân và vai trò của họ trong việc định hình tương lai của khu vực với 80 công ty khởi nghiệp Đông Nam Á được lựa chọn để tham gia. Những công ty khởi nghiệp này đến từ khắp khu vực và đại diện cho nhiều lĩnh vực khác nhau, từ dịch vụ tài chính, hậu cần và thương mại điện tử đến nông nghiệp, truyền thông và chăm sóc sức khỏe…

BẢO NGHI (Lược dịch từ The ASEAN Post)