Theo thông tin mới nhất được đăng tải trên trang The Nation, những nỗ lực tăng cường an ninh lương thực của Lào đang đối mặt với nhiều thách thức lớn khi gần 600 dự án thủy lợi của nước này đã và đang bị ảnh hưởng do tác động của lũ lụt kéo dài.
Tỉnh Vientiane ngập trong nước lũ. Ảnh: The Nation
Cụ thể, thống kê của Bộ Nông Lâm nghiệp cho thấy, sau khi Lào hứng chịu hai trận bão liên tiếp trong tháng qua, các vùng trũng ở 6 tỉnh phía bắc, 3 tỉnh miền trung và 2 tình phía nam đã chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Ước tính thiên tai đã phá hủy khoảng 1 triệu hecta diện tích đất nông nghiệp và thủy sản.
Trong đó, diện tích nông nghiệp của tỉnh Khammuan bị ảnh hưởng nặng nề nhất, theo sau là Savannakhet.
Trước tình hình này, các quan chức nhận định những hậu quả để lại sau lũ lụt có thể sẽ ảnh hưởng lâu dài đến các dự án an ninh lương thực của đất nước, cùng lúc cũng sẽ cản trở các nỗ lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của Lào. Đặc biệt, đợt thiên tai vừa qua có thể sẽ là thách thức lớn làm chậm tiến độ đạt được mục tiêu của Bộ Nông Lâm nghiệp Lào đã đề ra cho giai đoạn 2016 – 2020 về thúc đẩy an ninh lương thực, tăng cường sản xuất thương mại và quản lý lâm nghiệp bền vững.
Nhằm khắc phục hậu quả sau bão lụt, dự kiến Bộ Nông Lâm nghiệp Lào sẽ hỗ trợ nông dân trồng rau, sản xuất nông nghiệp sạch và trồng lúa vào mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4/2019. Đồng thời, các ban ngành liên quan cũng đang nhanh chóng tăng cường hợp tác với chính quyền địa phương để hỗ trợ tài chính cho công tác sửa chữa các hệ thống thủy lợi bị hư hại.
Trả lời báo giới, Bộ trưởng Bộ Nông Lâm nghiệp Lào Lien Thikeo cho biết, hiện cả nước đang tích cực chuẩn bị cho công tác tái sản xuất, gieo trồng vào mùa khô. Các nỗ lực này đang được triển khai gấp rút khi thiệt hại phát sinh trong mùa mưa vừa qua dự kiến lên đến khoảng 527 tỷ Kip. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng gây ra nhiều thách thức cho Lào, nhiều khả năng năng suất cây trồng của nước này có thể giảm đến 10% vào năm 2020 và 30% vào năm 2030.
Đan Lê (Lược dịch từ The Nation)