Đi qua không biết bao nhiêu thăm trầm, biến cố của lịch sử, cầu Trường Tiền – chứng nhân của Huế, năm nay tròn 120 năm tuổi. Thời gian dù có đổi thay nhưng cây cầu bắt qua dòng sông Hương thơ mộng vẫn lặng lẽ chứng kiến dòng đời đổi thay.

hắc tới Huế không thể không nhắc đến cầu Trường Tiền. Nó như “cột mốc sống” nằm giữa lòng Cố đô. Người Huế xem cây cầu như một chỉ dẫn địa lý, rằng đi đâu, hướng nào cũng lấy “chiếc lược ngà” làm cột mốc để rồi từ đó xác định vị trí mà mình muốn đi. Còn với du khách nếu đến Huế mà chưa đặt chân lên cầu Trường Tiền thì chẳng khác gì chỉ mới đi thoáng qua Huế.

Đi qua biết bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, cầu Trường Tiền như một nhân chứng của Huế 
 

Lần trùng tu cầu Trường Tiền gần đây nhất vừa được thực hiện năm 2017. Nhiều hạng mục từng đã bị phá bỏ, làm sai đã được phục hồi trong niềm vui của nhiều người.

Quay ngược về với quá khứ, cầu Trường Tiền được khởi công xây dựng vào năm 1897 và hoàn thành năm 1899 dưới triều vua Thành Thái. Cầu được thiết kế và thi công bởi hãng Eiffle (Pháp), với hình dáng sáu vòng cung bằng thép, mặt cầu được lát bằng gỗ lim. Thời điểm cầu hoàn thành dài 402m, có một ý nghĩa vô cùng quan trọng khi là cầu đường bộ đầu tiên bắt qua sông Hương, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho Huế và cũng là dấu mốc chấm dứt thời gian dài đò giang cách trở của hai bờ bắc – nam.

 

Để xây dựng được một cây cầu bắt qua sông Hương vào thời điểm ấy là vô cùng khó khăn. Không chỉ khó khăn về mặt kỹ thuật mà còn làm sao cho hài hòa với sự duyên dáng, thơ mộng của dòng sông Hương soi bóng lên nó. Thế nhưng khi đáp ứng được tiêu chí ấy, chỉ mới hoạt động được 5 năm cây cầu đã rơi vào một hoàn cảnh bi đát: Bão năm Thìn (1904) hất tung bốn vài của chiếc cầu xuống sông. Cho đến năm 1906 cầu mới được sửa lại, lúc này mặt cầu được thay thế từ gỗ lim sang bằng bê tông.

31 năm sau, năm 1937 dưới triều vị vua cuối cùng của triều Nguyễn – Bảo Đại, cầu lại được trùng tu. Lần này, cầu được mở thêm hai lan can phía ngoài vài cầu để phục vụ cho người đi xe đạp, đi bộ. Không lâu sau đó, năm 1946, cầu lại bị đánh sập theo chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, đến năm 1953 việc tái thiết mới được thực hiện một cách hoàn chỉnh.

Số phận cây cầu dường như chưa được yên ổn. Mùa xuân năm 1968, Quân giải phóng miền Nam buộc phải  đánh sập hai vài cầu số 3 và 4 của cầu để cắt đường tấn công của đối phương. Từ đó đến năm 1991, một đoạn bị đánh sập được lát gỗ theo kiểu tạm bợ đã được dựng lên. Cho đến năm 1991, Bộ Giao thông – Vận tải mới có quyết định phục hồi nguyên vẹn cây cầu lịch sử Trường Tiền.

Ít ai biết rằng, hành trình phục hồi cầu Trường Tiền kéo dài đến năm 1995, với hình dáng thay đổi ít nhiều so với trước đó: Màu sơn từ “dụ bạc” để hài hòa với màu nước xanh biếc của sông Hương bị chuyển thành màu “trắng lóng”, lòng cầu có sự xuất hiện gờ bê tông ở hai bên để năng hai ông thép chạy song song cầu...
 
 
Trải qua thời gian dài, đến năm 2017, trong quá trình khôi phục lại cầu các đơn vị thi công đã làm được công việc được nhiều người ghi nhận dù chưa được trọn vẹn: Trả lại tên cho cầu là cầu Trường Tiền, bổ sung 10 cái bao lơn để khách dừng chân ngắm cảnh từng đã bị phá dỡ ở lần trùng tu trước…
 
Nhưng thay đổi khiến nhiều người dân Huế giật mình chính là việc đơn vị thi công đã cắt bỏ 10 cái bao lơn hình nửa lục giác nhô ra sông - điểm dừng chân ngắm cảnh, hóng mát vừa tạo sự mềm mại, duyên dáng cho cầu. Và, khi cầu trung tu xong, ai ai cũng bất ngờ khi bị gắn bảng “Tràng Tiền” thay cho đúng của nó là Trường Tiền. Việc thay đổi này đã khiến nhiều nhà văn hóa, nhà nghiên cứu, người dân Huế lên tiếng, phản ứng.
 
120 năm đã đi qua, cầu Trường Tiền dù có rất nhiều tên gọi khác nhau như Thành Thái (tên vị vua triều Nguyễn), Clémenceau (tên vị thủ tướng Pháp), Nguyễn Hoàng (tên vị chúa có công khai phá vùng đất Thuận Hóa). Thế nhưng Trường Tiền vẫn là tên gọi thân thuộc, gần gũi nhất với người Huế - bởi lẽ cái tên ấy gắn liền tên bến đò cũ ở điểm đầu cầu phía bắc, cạnh xưởng đúc (trường) tiền của triều đình Nguyễn.

Thoát ra khỏi biểu tượng lịch sử, biểu tượng của Huế, cầu Trường Tiền giờ đây vẫn mang trong mình sứ mệnh cao cả khi ngày ngày gồng gánh hàng vạn lượt xe, dòng người qua lại hai bờ bắc – nam. Không dừng lại đó, cầu Trường Tiền còn là một điểm đến văn hóa, một sân khấu hoành tráng mà những đạo diễn, người làm chương trình, lễ hội lớn mỗi khi đến Huế đều muốn thể nghiệm.

Cầu Trường Tiền giờ đây trở thành một không gian sân khấu vô cùng ấn tượng với rất nhiều chương trình văn hóa - nghệ thuật đặc sắc được biểu diễn ngay trên cầu
 

Có thể thấy rõ không gian sân khấu lung linh, huyền ảo cùng ánh đèn soi chiếu lóng lánh phản ngược lại dòng nước sông Hương về đêm. Mỗi khi chứng kiến những màn trình diễn nghệ thuật, từ tà áo dài thướt tha, hay chúng ta còn nhớ màn trình diễn nghệ thuật sắp đặt lửa trên nền bài hát “La Narche” của đoàn nghệ sĩ đoàn nghệ thuật sắp đặt lửa Carabosse – Pháp đã làm cho không gian này trở nên lung linh sắc màu trong sự sang trọng pha lẫn cổ kính.

Rất đơn giản, khi mà những người làm nghệ thuật muốn được trình diễn ở ngay trên cây cầu lịch sử này bởi vốn dĩ cây cầu là không gian vô cùng thơ mộng, một kiến trúc đặc biệt của đô thị Huế mà ở đó có những giá trị văn hóa, lịch sử không vùng đất nào có được.

Cùng với sông Hương, cầu Trường Tiền như một gạch nối tạo nên thương hiệu, chỉ dẫn văn hóa, du lịch mà gần như khi nhắc đến Huế ai ai cũng sẽ nhớ đến. Ở nhiều góc thời gian, mùa khác nhau cầu Trường Tiền có một vẻ đẹp riêng. Trong khung ảnh là không gian của Trường Tiền một sáng sớm mờ sương đẹp đến nao lòng

Nhưng trước đó, cùng với sự hình thành, hiện hữu cùng với con người, cầu Trường Tiền được ví như một không gian của những tâm hồn thi ca, nhạc họa. Những câu hát, lời thơ ấy hay, đẹp da diết nhưng cũng buồn đến nao lòng.

“Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp

Em theo không kịp, tội lắm em anh ơi!

Bấy lâu mang tiếng chịu lời

Anh có xa em đi nữa, cũng tại ông Trời nên xa”

(Ca dao. Cũng có tài liệu cho rằng đây là thơ của ông Hoàng giáp Đỗ Huy Liệu - người Nam Định sáng tác)

 

Năm 1941, trong thời gian lưu lạc tới xứ Huế, thi sỹ Nguyễn Bính đã ví nét cong cong của nhịp cầu cùng màu sơn nhũ bạc (nguyên bản) như hình ảnh của chiếc lược ngà trong bài “Vài nét Huế”:

“…Cầu cong như chiếc lược ngà

Sông dài mái tóc cung nga buông hờ…”

Những thăng trầm lịch sử của cầu Trường Tiền cũng được ghi chép lại. Năm 1946, cầu bị sập và đã có câu ca mang âm hưởng hò sông thế này:

Cầu Trường Tiền bấy nhiêu niên (năm) qua lại,

Kể tự đời Thành Thái đến nay.

Chạnh lòng biết hỏi ai đây,

Việc chi nên nỗi đang tay dứt cầu?

Đáp rằng:

Chí quyết thắng Pháp Tây

Nên cầu nầy phải phá,

Qua sông còn nhiều ngả

Đừng buồn bã em ơi.

Nước non khôi phục được rồi,

Cầu nầy bắc lại, không mấy hồi đó em...

Dòng sông Hương vẫn chảy. Dòng đời vẫn lẳng lặng đi qua. Để rồi nhân chứng Trường Tiền vẫn nghiêng mình dưới nắng gió Cố đô…