Thông tin mới trên tờ Bangkok Post cho biết, mỗi năm có hơn 70.000 Thái Lan tử vong vì các loại bệnh liên quan đến thói quen hút thuốc.
Bất chấp nỗ lực của chính phủ, số người nghiện thuốc ở Thái Lan vẫn đang tăng chóng mặt. Ảnh: Bangkok Post
Bất chấp nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ của chính phủ để giảm tối đa tỷ lệ người hút thuốc, nghiện thuốc, số lượng người có thói quen độc hại này vẫn đang tăng mạnh.
Thất vọng trước những số liệu thống kê, Daniel Kertesz – Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Thái Lan cho biết: “Các biện pháp tiếp theo bao gồm tăng thuế tiêu thụ thuốc lá, cảnh tỉnh người nghiện thuốc bằng việc lồng ghép, in hình ảnh đồ họa về hậu quả của khói thuốc lên vỏ bao thuốc để đối phó với vấn nạn ở Thái Lan được WHO đánh giá rất cao”.
Đáp lại, Phát ngôn viên Bộ Y tế Thái Lan Suwannachai Wattanayingcharoenchai khẳng định giới chức nước này đang chuẩn bị nhiều chiến dịch mới cho Ngày thế giới không thuốc lá diễn ra vào ngày 31/5 sắp tới. Động thái được xem là rất quan trọng, nhất là khi chỉ một làn khói thuốc cũng đủ để phơi nhiễm một người với hàng trăm chất độc ảnh hưởng đến phổi khác nhau. Hậu quả rõ nhất của khói thuốc là chỉ tính riêng năm 2017, 49% trong tổng số 72.656 bệnh nhân mắc các bệnh về phổi do khói thuốc điều trị tại bệnh viện Ramathibodi (Thái Lan) đã tử vong.
Trong một diễn biến có liên quan, mỗi năm, Thái Lan tổn thất 220 tỷ Bath do các vấn đề liên quan đến khói thuốc. Con số ghi nhận cao hơn gấp 3 lần so với số tiền thu được từ thuế bán sản phẩm thuốc lá, hiện đang vào khoảng 68 tỷ Bath. Đáng lo ngại hơn, độ tuổi hút thuốc đang mở rộng ra. Cụ thể, khoảng 10% người dân Thái Lan nghiện thuốc là trẻ em 10 tuổi. Trước vấn nạn đảo chiều đáng lo ngại này, chính phủ Thái Lan cần nhanh chóng hành động, nỗ lực hơn nữa để ngăn chặn, không chỉ bảo vệ sức khỏe cho người dân, mà còn vì tương lai của đất nước, các chuyên gia y tế quốc tế cho hay.
Đan Lê (Lược dịch từ Bangkok Post)