Mỗi năm, gai đình ông Đài có thu nhập từ 250-300 triệu đồng từ trồng rừng kết hợp nuôi cá, gia súc, gia cầm...

Vươn lên

Ông Lê Viết Hương, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Tiến “xuýt xoa” xin lỗi do đã hẹn nhưng để khách phải đợi vì chưa thể gặp ngay ông Lê Văn Đài. “Nhiều lúc có những việc đột xuất, bởi ông ấy là người của công việc, bận, bận lắm. Ông Đài bận như vậy từ mấy chục năm nay, nên bây giờ có trong tay 25 ha rừng, nhà cửa bề thế, xe ô tô, mấy hồ cá trắm. Ông cũng đang bắt tay xây dựng mô hình trang trại nuôi bò, heo đen, cá chình. Kết quả lao động của ông Đài đã truyền cảm hứng cho nhiều người khác ở địa phương, là động lực để họ thay đổi ý thức, vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống tốt hơn”, Bí thư Hương chia sẻ.

Bí thư Đảng ủy Lê Viết Hương kể thêm: Những năm 1990, xã Hồng Tiến thuộc huyện A Lưới- một huyện miền núi nghèo, nhiều khó khăn. Đa số người dân còn thụ động, chỉ bám vào nương rẫy gần nhà cùng chút ít thức ăn kiếm được dưới suối, trong rừng. Nhưng ngày đó ông Đài đã biết khai hoang, mở rộng diện tích canh tác, sản xuất. Dân trong thôn, ngoài bản quen với hình ảnh người đàn ông rắn rỏi, thời trai trẻ từng là bộ đội địa phương “lang thang” hết đồi này đến núi khác khai hoang, trồng bắp, trồng lúa, trồng sắn, chuối..., đổ không biết bao nhiêu mồ hôi để phủ xanh cây lương thực trên quả đồi Bạch Tôn rộng lớn của A Lưới. Mùa nào thức ấy, ông Đài đưa sản phẩm xuống bán ở chợ Bình Điền. Tích lũy qua nhiều vụ, nhiều mùa, gia đình ông “tậu” được đàn bò 60 con.

“Năm 1996, thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, Nhà nước có chính sách hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật… để khuyến khích người dân trồng rừng. Bà con dân tộc Pa Hy ở Hồng Tiến lúc đó rất nhiều người chưa có ý thức nên trồng rừng kiểu “được chăng hay chớ”, trồng cây xuống rồi bỏ mặc, không chăm sóc. Nhiều cánh rừng èo uột, không mang lại giá trị. Nhưng với ông Đài lại khác. Vốn là người không quản vất vả và dám nghĩ dám làm, nên chính sách hỗ trợ là cơ hội “vàng” cho ông vươn lên làm giàu”, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Tiến nói.

Rồi ông Đài quyết định bán đàn bò để mua thêm đất, đầu tư trồng rừng. Với  25 ha tràm, keo, cao su được chăm bón đúng quy trình, kỹ thuật, mỗi năm gia đình ông Đài có thu nhập từ 250 đến 300 triệu đồng. “Đó là chưa tính thu hoạch từ sắn, lúa, bắp… trồng xen với cao su, keo, tràm. Ông ấy là người quý từng tấc đất. Nơi nào có thể tranh thủ canh tác, mồ hôi của ông lại nhỏ xuống để lúa, bắp… mọc lên. Nhưng điều đáng quý hơn là ông sẵn lòng cho bất cứ ai khó khăn đến trồng xen sắn, lúa, bắp trên đất rừng của mình. Hoặc sau khi thu hoạch, chưa trồng lại rừng, ông cho người ta tranh thủ trồng cây lương thực và sẵn lòng lùi lại vụ tái sản xuất rừng nếu sắn, lúa, bắp của dân chưa đến thời kỳ thu hoạch. Với diện tích 25 ha, tự gây giống không đủ, ông Đài phải mua thêm giống cây tràm. Nhưng ông sẵn lòng cho người khác hàng nghìn cây tràm giống, để họ có điều kiện phát triển kinh tế từ trồng rừng…”, ông Hồ Văn Tý, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Tiến nói về ông Đài bằng tình cảm trân trọng.

Truyền cảm hứng 

Tuổi suýt soát 70, nhưng người con của rừng núi vẫn rất mạnh mẽ. Dường như tất thảy tinh thần dám nghĩ, dám làm, yêu lao động, sẵn lòng mang những điều tốt đẹp đến với người khác đều toát lên trong ánh mắt ông. Ánh mắt ấy trở nên dí dỏm khi kể: “Không ít người trong thôn, trong xã từng nói với tôi “lương hưu cũng có, con cái trưởng thành, của ăn có, của để cũng có, vậy ông Đài còn làm chi nữa”. Tôi nói, còn sức, còn khỏe thì còn làm, để tác động đến con cháu và những người xung quanh. Tôi mong có nhiều người thấy thành quả lao động của tôi mà “sốt ruột”, cố gắng “ganh đua” cho bằng, cho hơn”.

Mong mỏi mang những điều tốt đẹp đến cho người khác xuất phát từ đáy lòng. Vậy nên ông Đài từng “thủ thỉ” lời gan ruột với những người có ý định chuyển nhượng đất: “Mình ở rừng ở núi, có được cái ăn, cái uống là nhờ đất, nhờ núi. Nhà nước đã giao thì mình phải cố gắng giữ đất sản xuất cho cả đời con cháu sau này”. Đây chính là lý do ông Đài thà “chịu thiệt”, cho những người khó khăn hàng nghìn cây tràm giống mang về “giữ” đất.

 Ông Nguyễn Văn Giờ ở thôn 1, xã Hồng Tiến tâm sự: "Tôi từng nghĩ, ông Đài làm được thì tại sao mình không làm được. Vậy là tôi cố gắng. Đôi khi cách phát triển kinh tế có khác nhau, nhưng quan trọng là hiệu quả từ sự nỗ lực của mình. Thành công từ trang trại nuôi heo đen, gia đình tôi cũng cho những gia đình khó khăn heo giống, đến bây giờ tổng cộng hơn 30 con, để các hộ gây dựng chăn nuôi".

Ông Lê Văn Moái ở thôn 5 cũng kể về ông Đài với tấm lòng khâm phục: “Thuê phát cỏ, bỏ phân, chăm sóc, thu hoạch keo, tràm, cao su, ông Đài đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương, với thu nhập trên dưới 200 nghìn đồng/ngày. Ông sẵn lòng giúp đỡ vật chất, tinh thần cho những người bệnh tật, khó khăn. Tất cả những việc ông làm đều chân thành, giản dị nên mọi người tin và nghe theo lời ông nói”.

Nhìn vào thành quả lao động của ông Đài, thấm thía những lời khuyên nhủ và cảm kích nghĩa cử của ông, nhiều người dân địa phương đã nỗ lực vươn lên, phát triển kinh tế rất thành công. Đó là các gia đình ông Nguyễn Văn Cao, ông Hồ Thái Ô ở thôn 2, ông Nguyễn Văn Giờ ở thôn 1, bà Nguyễn Thị Thí ở thôn 4… Những hộ này giờ đã là chủ nhân của hàng chục ha rừng keo tràm, của các trang trại heo đen (heo rừng nuôi thả ở trang trại) và đều có nhà cửa khang trang.

“Hồng Tiến bây giờ đếm không hết những gia đình kinh tế khá giả, đời sống vật chất, tinh thần của nhiều hộ dân ở địa phương được nâng lên. Để đạt được điều này, có đóng góp không nhỏ của những người như ông Đài. Họ đã truyền cảm hứng để người khác nỗ lực vươn lên”- Bí thư Đảng ủy xã Lê Viết Hương chia sẻ.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh