Tổ chức Y tế thế giới vừa cho biết, có 2.025 trường hợp nhiễm Ebola kể từ khi dịch bùng phát vào tháng 8 năm ngoái tại Cộng hòa dân chủ Congo. Trong đó có 1.357 người tử vong. Đây là đợt bùng phát nghiêm trọng thứ 2 do virus Ebola gây ra. 

Một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ tử vong cao là do phát hiện muộn. Cứ 4 người mắc bệnh Ebola thì có 1 trường hợp được phát hiện khi quá muộn.

Dịch Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo đang có diễn biến phức tạp. (Nguồn: NPR)

Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới Mai Ri-an ( Mike Ryan) cho biết: “Chúng ta cần phải giải quyết được vòng luẩn quẩn phát hiện muộn và dẫn đến các trường hợp tử vong ngay tại địa phương, lây nhiễm sang người khác. Khi một người nào đó chết do Ebola tại địa phương, sẽ là một thảm họa đối với cộng đồng, vì dễ lây nhiễm sang người khác. Do đó, cần phải phát hiện sớm trường hợp và yêu cầu những người có tiếp xúc với bệnh nhân tiêm vaccine. Cần đảm bảo, nếu họ ốm thì phải cách li, điều trị để giảm số người lây nhiễm”.

Các nhóm y tế của Tổ chức Y tế thế giới đang phải đối mặt với sức ép lớn để phát hiện sớm bệnh nhân nhiễm Ebola. Theo đó, mỗi ngày các nhóm này phải thực hiện  kiểm tra triệu chứng cho 15.000 người tình nghi nhiễm bệnh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh dịch chưa được kiểm soát và đang lan nhanh tại khu vực nông thôn Mabalako. Hoạt động đi lại của người dân và khám chữa bệnh ở một khu vực xa nơi họ sinh sống khiến tình trạng lây nhiễm không giảm./.

Theo VOV