Hoạt động vào năm 2020
Báo cáo kế hoạch đầu tư dự án của Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines), ông Vũ Đức Biên, Giám đốc Vietravel Airlines cho biết, dự án Vietravel Airlines được đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng và sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2020. Hãng hàng không được xây dựng gắn với du lịch, cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng không trong nước và quốc tế đến các nước trong châu lục, góp phần nâng cao năng lực vận tải hàng không cho Việt Nam và phát triển ngành du lịch lữ hành, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế. Đến năm 2020, hãng hàng không có khả năng tiếp nhận 20 máy bay và 5 triệu hành khách/năm; dự kiến chuyến bay đầu tiên sẽ được triển khai vào ngày 1/1/2020.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chủ trì buổi làm việc
Theo ông Vũ Đức Biên, Thừa Thiên Huế là điểm trung chuyển du lịch của Vietravel giữa các khu vực Đồng Hới – Huế – Đà Nẵng – Hội An. Năm 2017, khu vực này đón 17,9 triệu khách du lịch và chiếm tới 37% điểm đến khách du lịch trong nước của Vietravel. Việc chọn Cảng hàng không quốc tế Phú Bài làm căn cứ cũng sẽ giúp hướng luồng khách du lịch khu vực Đồng Hới – Huế - Đà Nẵng – Hội An qua Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, qua đó góp phần giảm tải cho cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng trong thời gian tới.
Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2019 – 2022 của Vietravel, với mục tiêu tiếp tục giữ vững vị trí là công ty du lịch đứng đầu Việt Nam và trở thành 1 trong 10 công ty du lịch lớn nhất châu Á. Bên cạnh việc tập trung vào kinh doanh cốt lõi về du lịch, Vietravel cũng tập trung xây dựng và phát triển kinh doanh hệ sinh thái bao quanh khách du lịch mà công ty phục vụ (1,7 triệu lượt khách đến năm 2022) và kinh doanh hàng không chính là dự án đột phá sẽ được Vietravel đầu tư phát triển đầu tiên. Hội đồng quản trị Vietravel đã chính thức thông qua đề án thành lập Hãng hàng không Vietravel Airlines. Tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng và sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2020.
Lĩnh vực kinh doanh hàng không với 3 hãng hàng không hiện nay của Việt Nam chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đi lại của trên 90 triệu người dân Việt Nam, dư địa của thị trường còn rất lớn. Dự báo, tốc độ tăng trưởng bình quân của vận chuyển hàng không Việt nam tăng trưởng trên 20% năm. Đặc biệt là du lịch hiện đang sử dụng hàng không để làm phương tiện chính để chuyên chở khách (chiếm 70%) cũng đang có tốc độ phát triển và tăng trưởng rất cao (từ 20 – 30%/năm).
Tuy hàng không có tốc độ tăng trưởng cao nhưng lại hầu như chỉ mới tập trung vào 3 – 4 sân bay chính: Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh mà lại chưa tận dụng hệ thống các sân bay còn lại. Trong đó có các sân bay tại các trung tâm kinh tế du lịch lớn như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Vinh, Đà Lạt, Cần Thơ và Huế cũng chưa được kết nối với mạng bay trong nước và quốc tế.
Với thực trạng nêu trên, Vietravel mong muốn tỉnh đồng ý chấp thuận cho Vietravel Airlines được đặt trụ sở chính tại Huế với sân bay Phú Bài là sân bay chính của hãng nhằm đẩy mạnh khai thác dịch vụ cũng như phát huy những tiềm năng, lợi thế trên địa bàn tỉnh.
Đẩy nhanh tiến độ dự án
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương ghi nhận và cảm kích sự nỗ lực của Vietravel khi chọn Huế đặt trụ sở văn phòng. Ông Phương khẳng định phía tỉnh rất ủng hộ và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi tối đa để Vietravel triển khai thực hiện dự án; trong đó tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cần đẩy nhanh thực hiện các thủ tục dự án đúng tiến độ, theo quy định của pháp luật.
Lãnh đạo Vietravel Airlines trình bày nội dung đề xuất dự án đầu tư
Trước đó, UBND tỉnh đã có thông báo tại buổi làm việc với Vietravel về việc đề xuất giới thiệu địa điểm để thành lập văn phòng giao dịch kinh doanh tại TP. Huế. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu Sở Tài chính rà soát tình hình sử dụng thực tế của Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh để xem xét phương án cho Vietravel thuê trong thời gian ngắn hạn nhằm phục vụ cho hoạt động theo nhu cầu trước mắt; kết hợp khai thác Trung tâm Thông tin du lịch và trụ sở văn phòng Vietravel tại khu đất số 23 Trần Cao Vân.
Đối với đề xuất giới thiệu địa điểm làm trụ sở nghiên cứu, đào tạo nghiệp vụ, phục vụ kỹ thuật hàng không, UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với Vietravel chủ động làm việc với cảng vụ để xác định địa điểm phù hợp với quy hoạch cảng hàng không và mục tiêu của dự án.
Đồng thời, yêu cầu Sở KH&ĐT rà soát khu đất, dự án Trung tâm Thương mại và dịch vụ các khu công nghiệp tỉnh của Công ty CP Đầu tư Trung quý Huế đã được thu hồi để giới thiệu cung cấp thông tin cho Vietravel nghiên cứu dự án, đề xuất phương án chọn nhà đầu tư theo quy hoạch. Đối với việc thành lập Phân hiệu Trường cao đẳng Quốc tế Kent tại Huế, ưu tiên phương án nghiên cứu khai thác một số địa điểm như khu đất Trường THPT Trần Hưng Đạo cũ, Trường TH&THCS Chi Lăng, Trường Nghiệp vụ thuế- Bộ Tài chính…
Bài, ảnh: Hà Nguyên