Sông băng khổng lồ ở Nam Cực với kích thước tương đương bang Florida ở Mỹ, có thể gây thảm họa cho Trái đất nếu tan chảy hoàn toàn.
Sông băng khổng lồ ở Nam Cực đang tan chảy
Theo Mirror, sông băng Thwaites ở Nam Cực đang bước vào giai đoạn “bất ổn” và trong kịch bản tồi tệ nhất, toàn bộ lượng băng sẽ tan vào đại dương trong, chỉ sau 150 năm.
Kết quả là mực nước biển sẽ dâng cao gấp 2,5 lần so với mức 20cm kể từ giai đoạn cuối thế kỷ 19, một nghiên cứu của NASA cho biết.
Nhà khoa học NASA, Helene Seroussi nói: “Sau khi đạt đến độ tan chảy, sông băng Thwaites sẽ hòa tan hết vào đại dương trong 150 năm. Điều đó có nghĩa là mực nước biển toàn cầu sẽ dâng cao thêm 50cm”.
Sông băng Thwaites với kích thước 181.000 km2 là một trong 5 sông băng có mức độ tan băng gấp đôi trong 6 năm qua. Tình trạng nước biển ấm lên do biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính gây ra bất ổn.
Băng tan do nước ấm tác động từ bên dưới
Nhà khoa học Seroussi nói sông băng trở nên không ổn định khi nước biển ấm hơn tác động ngay từ bên dưới lòng sông. “Quá trình này diễn ra một cách liên tục, không gì có thể cản được”.
Hồi tháng Giêng, các nhà khoa học đã phát hiện một lỗ hổng khổng lồ dưới đáy sông băng Thwaites. Lỗ hổng có diện tích bề mặt xấp xỉ 40km2 và cao tới 300m. Ước tính lỗ hổng đủ lớn để chứa tới 14 tỷ tấn băng và phần lớn tan chảy chỉ trong vỏn vẹn ba năm qua.
Thwaites được xem là dòng sông băng nguy hiểm trên Trái Đất khi chịu trách nhiệm cho khoảng 4% mực nước biển dâng toàn cầu. Với kích thước tương đương bang Florida, Mỹ, sông băng Thwaites có thể khiến các đại dương trên thế giới dâng cao thêm 50cm, gây nên thảm họa đối với các thành phố ven biển.
Theo Dân Việt