Cá mập - loài săn mồi hàng đầu của đại dương trong hàng triệu năm qua - có nguy cơ biến mất khỏi Địa Trung Hải vì tình trạng đánh bắt quá tải và ô nhiễm nhựa đang đe dọa loài săn mồi này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Là loài săn mồi lớn nhất đại dương nhưng cá mập lại đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nếu chúng ta không hành động kịp thời. Ảnh: AFP
Quỹ Động vật hoang dã Thế giới (WWF) cho biết, hơn một nửa số loài cá mập và cá đuối ở Địa Trung Hải đang bị đe dọa, và gần một phần ba trong số chúng đã bị đánh bắt đến bờ vực tuyệt chủng.
Báo cáo của tổ chức được công bố trước Ngày Thế giới Nhận thức về cá mập đã chỉ ra rằng, Libya và Tunisia là thủ phạm lớn nhất, với việc mỗi quốc gia đánh bắt cá khoảng 4.200 tấn cá mập mỗi năm - gấp ba lần so với quốc gia xếp thứ 3 là Ý.
Trong khi một số loài được đánh bắt làm thức ăn, nhiều cá thể cá mập ở Địa Trung Hải lại bị đánh bắt do vướng vào lưới dùng để săn bắt các loại cá khác.
Ngoài ra, sự bùng nổ của ô nhiễm nhựa đang gây nguy hiểm cho quần thể cá mập, do chúng ăn phải các con mồi đã ăn rác thải nhựa hoặc chính chúng lại bị mê hoặc bởi các phế thải trôi nổi.
Cá mập đã tồn tại hơn 400 triệu năm và đặc biệt dễ bị suy giảm số lượng do quá trình trưởng thành chậm và thời gian mang thai khá dài.
WWF cho biết thiếu sự hợp tác quốc tế và các quy định có hiệu lực dẫn đến việc gần như không thể chủ động giám sát các dự án bảo tồn cá mập.
Danh sách đỏ của IUCN (Tổ chức bảo tồn thiên nhiên Quốc tế) về các loài có nguy cơ tuyệt chủng hiện có 79 loài cá mập và 120 loài cá đuối.
“Tất cả các nước trong khu vực Địa Trung Hải phải chịu trách nhiệm cho việc này. Cá mập là một phần của biển và văn hóa của chúng ta trong hàng ngàn năm qua. Chúng ta cần phải hành động nhanh chóng để đảm bảo chúng vẫn còn tồn tại trong tương lai”, Giuseppe Di Carlo, Giám đốc dự án Sáng kiến Hàng hải Địa Trung Hải của WWF nói.
Anh Tuấn (Lược dịch từ AFP)