Một nghiên cứu mới đây cho biết máy bay của Israel đã phun thuốc diệt cỏ trên vùng đệm dọc dải Gaza, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân Palestine và vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế.
Nghiên cứu của Forensic Architecture mô phỏng tầm ảnh hưởng của thuốc diệt cỏ được phun tại dải Gaza. Nguồn: Forensic Architecture/The Guardian
Forensic Architecture, một cơ quan nghiên cứu có trụ sở tại Goldsmiths, Đại học London đã điều tra 16 tháng về các tác động tiềm tàng của việc phun thuốc diệt cỏ trong khu vực Gaza.
Cơ quan này đã theo dõi hướng bay của thuốc diệt cỏ được phun tại dải Gaza và kết luận rằng nó đang giết chết cây trồng nông nghiệp, gây ra thiệt hại khó lường và không thể kiểm soát được.
Trưởng nhóm nghiên cứu nói rằng trong 5 năm qua, các máy bay của Israel đã phun thuốc diệt cỏ hơn 30 lần ở vùng đệm của dải Gaza (phía bên phần đất của Israel) do Hamas kiểm soát.
Bộ Quốc phòng Israel thông tin rằng việc phun thuốc là cần thiết vì lý do an ninh, “chỉ được tiến hành trên lãnh thổ của Nhà nước Israel” và được giám sát kỹ càng bởi các chuyên gia.
Tuy nhiên, những người nông dân sống và canh tác trong các khu vực này từ lâu tuyên bố rằng mùa màng và sinh kế của họ đã phải chịu hậu quả từ hoạt động này.
Báo cáo nghiên cứu của Forensic Architecture cung cấp xác nhận thêm rằng việc phun thuốc diệt cỏ có tầm lan rộng hơn 300m vào phần đất thuộc dải Gaza do Hamas kiểm soát và gây ra thiệt hại “khó lường và không thể kiểm soát” tại khu vực này.
Một số nhà hoạt động xã hội và tổ chức phi chính phủ đã kêu gọi chính quyền Israel hỗ trợ đền bù cho những người nông dân sống trên dải Gaza này vì những tổn thất mùa màng họ phải chịu từ hoạt động phun thuốc diệt cỏ. Tuy nhiên, phía Israel đã từ chối những đề nghị này.
Giữa Israel và Hamas đã xảy ra ba cuộc xung đột kể từ năm 2007 khi Hamas giành quyền kiểm soát vùng đất ven biển, sau đó Israel và Ai Cập đã phong tỏa đường bộ và đường biển của khu vực này.
Anh Tuấn (Lược dịch từ The Guardian)