Dù đã được đưa vào danh sách cấm lưu hành nhưng điều tra của phóng viên cho thấy, các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại, gây ung thư (như 2,4-D; Paraquat…) vẫn dễ dàng mua được ở các cửa hàng, đại lý thuốc bảo vệ thực vật. Điều này cho thấy, chỉ vì tính năng diệt cỏ triệt để của nó, người dân vẫn mua bán, sử dụng thuốc cấm, bất chấp mối nguy hại đến môi trường, sức khỏe và tính mạng.

Thực trạng và hệ lụy đã rõ. Vấn đề đặt ra là trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu, khi để cho thuốc cấm lưu hành vẫn tiếp tục lưu hành?

Trả lời phóng viên Báo Thừa Thiên Huế, lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh viện dẫn lý do: Nhân lực của chi cục mỏng nên không thể quản lý, giám sát xuể trong khi chính quyền địa phương chưa làm hết trách nhiệm, chưa quyết liệt trong giám sát, quản lý.

Chứng minh cho kẽ hở trong công tác quản lý ấy, một con số được nêu ra. Đó là, hiện lực lượng làm công tác giám sát, kiểm tra tại chi cục này chỉ có 2 người, trong khi cả tỉnh có khoảng 278 cơ sở kinh doanh và nhiều hộ buôn bán thuốc bảo vệ thực vật nhỏ lẻ.

Không chỉ trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, kẽ hở, hay lỗ hổng trong công tác quản lý ở nhiều lĩnh vực khác với những lý do tương tự cũng dễ dàng tìm thấy.

Cách đây chưa lâu, Báo Thừa Thiên Huế có nhiều bài viết phản ánh thực trạng nhức nhối khi tàu giã cào hoành hành ở vùng biển.

Có thời điểm, chỉ riêng ở xã Vinh Thanh (Phú Vang), hàng chục tàu đánh cá của ngư dân bị tàu giã cào phá hỏng lưới, quấy nhiễu ngư trường, càn quét nguồn lợi thủy sản.

Lý giải nguyên nhân nghề giã cào đã bị cấm vẫn ngang nhiên hoành hành, những lý do quen thuộc lại được cơ quan quản lý viện dẫn: Khó xử lý vi phạm vì chế tài chưa nghiêm; phương tiện thô sơ; chi phí mua nhiên liệu phục vụ công tác tuần tra chưa đủ; sự phối hợp chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ; đối tượng, hành vi vi phạm manh động, tinh vi...

Gần đây hơn là những bất cập trong công tác quản lý hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông. Khi sai phạm được làm rõ, một trong những lý do được cơ quan quản lý nêu ra lại là lực lượng mỏng, thiếu sự phối hợp, chính quyền địa phương chưa quyết liệt....

Tương tự, trong lĩnh vực bảo vệ từng, khi đâu đó, rừng bị lâm tặc xâm hại, nguyên nhân thường được nhắc đến là do diện tích rừng quản lý lớn, hiểm trở; phương tiện lạc hậu; lực lượng ít...

Những ví dụ trên cho thấy, ở một số lĩnh vực, lỗ hổng trong công tác quản lý đã được nhận diện. Nhưng ở đó, trách nhiệm hầu như đã được đẩy, đổ cho nguyên nhân khách quan. Trách nhiệm người đứng đầu trong việc để cho lĩnh vực mình quản lý tồn tại những vi phạm nhức nhối lại chưa được đặt ra một cách nghiêm túc, thấu đáo.

Có lẽ, đó là kẽ hở lớn nhất...

Kim Oanh