Tên chợ đánh dấu sự kiện trở lại Phú Xuân của quan quân nhà Nguyễn. Năm 1885, kinh đô thất thủ, chợ Quy Giả bị đốt sạch. Đến năm 1887, vua Đồng Khánh cho xây dựng lại và đổi tên thành chợ Đông Ba. Đúng 120 năm trước, vua Thành Thái ban lệnh cho chợ Đông Ba họp trước cửa Đông Ba, dịch nôm theo kiểu dân gian “đem chợ ra ngoài giại”.

Chợ Đông Ba là nơi lưu giữ những nét đẹp khó trộn lẫn của xứ Huế. Ảnh: NQ

Cũng trong năm 1899, cầu Trường Tiền nên hình, nên dáng. Và trong khi chờ đợi khánh thành, con phố Trường Tiền ra đời, ngang qua chợ Đông Ba. Hơn 100 năm rồi, dù phố Trường Tiền đã đổi tên thành đường Trần Hưng Đạo, người dân cố cựu nơi đây vẫn quen nói là “đi phố” mỗi khi có việc ra đây và ghé chợ Đông Ba.

Nếu Đông Ba (Huế) sánh bước cùng Đồng Xuân (Hà Nội) và Bến Thành (Sài Gòn) thì cầu Trường Tiền ngang qua sông Hương và cầu Long Biên bắc qua sông Hồng là những cây cầu đầu tiên được xây dựng ở Đông Dương vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX theo kỹ thuật và vật liệu mới của phương Tây. Trường Tiền - Đông Ba là biểu tượng văn hóa của Huế.

Vào năm 1995, khi cầu Trường Tiền được phục hồi, đã có không ít dư luận về những thay đổi, kiểu như màu sơn “dụ bạc” bị chuyển thành màu “trắng lóng” hay như lòng cầu xuất hiện gờ bê tông ở hai bên để nâng hai ống thép chạy song song cầu, 10 cái bao lơn hình nửa lục giác nhô ra sông, điểm dừng chân ngắm cảnh, hóng mát vừa tạo sự mềm mại, duyên dáng cho cầu bị cắt bỏ…

Sau bao tranh cãi, cuối cùng, cùng với việc trả lại tên Trường Tiền mà ai đó vô tình hay cố ý sau khi trùng tu đã “đặt tên” mới Tràng Tiền, là những khác biệt kia đã được chỉnh sửa. Người Huế và cả những người yêu Huế không chỉ tự hào mà họ còn nhớ kỹ và chăm chút từng chi tiết nhỏ đã góp phần tạo nên bản sắc chiếc cầu huyền thoại.

Còn sức hút của Đông Ba không chỉ tới từ vị trí, mà phần lớn do những sản vật, món ăn, thức uống đủ đánh gục không chỉ người bản địa mà còn cả dân xứ xa ghé một lần cho biết. Chợ Đông Ba là hồn Cố đô, nơi lưu giữ những nét đẹp khó trộn lẫn của xứ Huế. Với nhiều người, đi chợ Đông Ba còn để ngắm và để ăn. Ngắm cảnh, ngắm vật lạ, ngắm cả ai đó xách giỏ tới lui như một ký ức khó phai.

Cũng bởi do Đông Ba đặc sắc thế kia nên ngay khi có dự án trùng tu đã có ngay bao lo ngại. Cần thiết có một Đông Ba hiện đại, nhưng điều nhiều người trăn trở là khi cải tạo chợ phải phù hợp với kiến trúc, cảnh quan đôi bờ sông Hương, phải đáp ứng là nơi mua sắm đặc sản Huế, shopping nhưng không phải là siêu thị…

Người Huế chỉnh chu, tỉ mẩn đến khó tính cũng bởi đang sở hữu những báu vật như Trường Tiền hay Đông Ba hoàn chỉnh đến tuyệt vời. Nó cũng đặt ra vấn đề đáng suy nghĩ, cần cẩn thận và tâm huyết khi gìn giữ và bảo tồn những công trình mà giá trị của nó đã trở thành biểu tượng của vùng đất. Tôi nghĩ đến điều này khi chợ Đông Ba kỷ niệm 120 năm ngày thành lập và đang có nhiều ấp ủ cho biểu tượng văn hóa, kinh tế này của Huế.

ĐAN DUY