Cầu Hương Sơn được đầu tư xây dựng giải quyết tình trạng cách trở giao thông

Người dân là chủ thể

Xác định “người dân là chủ thể” trực tiếp được hưởng lợi từ chương trình NTM, Đảng bộ, chính quyền xã Hương Sơn vận động Nhân dân khai hoang, phục hoá, phát triển chăn nuôi, trồng trọt, trong đó bắt đầu từ việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để làm “bàn đạp” cho phát triển sản xuất.

Già làng Trần Văn Bí ở thôn 7 nhìn nhận, bất cứ chủ trương nào cũng hướng đến lợi ích cho Nhân dân. Già Bí được Đảng, chính quyền phân công, giao trách nhiệm cùng với cán bộ, đảng viên đến tận từng thôn, bản, từng nhà dân làm công tác tư tưởng với phương châm “mưa dầm thấm sâu”.

Quá trình phát động phong trào hiến đất làm đường, xây dựng kết cấu hạ tầng cũng có một bộ phận dân cư “khó tính”, gây trở ngại, địa phương nhờ già Bí và các già làng có uy tín giải thích những điều hay, lẽ phải từ chủ trương xây dựng NTM.

Hơn 100 hộ dân trên địa bàn xã đã tự nguyện hiến hàng chục ngàn mét vuông đất, nhiều cây cối, hoa màu để xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, kết cấu hạ tầng.

Thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ, Hương Sơn đẩy mạnh bê tông, nhựa hoá đường giao thông, các công trình văn hóa, trường học, y tế... Đến nay, phần lớn các tuyến đường từ trung tâm xã đến các thôn, bản đều được bê tông, tráng nhựa, trong đó nhiều công trình có sự đóng góp ngày công, vật chất của Nhân dân.

Hai cây cầu Hương Sơn và A2 được xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng đã giải quyết triệt để tình trạng giao thông cách trở, nhất là vào mùa mưa lũ.

Chủ tịch UBND xã Hương Sơn-Hồ Thanh Nghi đánh giá, từ khi giao thông thuận lợi, người dân mạnh dạn khai hoang mở rộng quy mô diện tích sản xuất. Các thương lái dễ dàng vào tận vườn để thu mua nông sản. Người dân thuận lợi khi đưa nông sản đến các chợ trên địa bàn huyện và nơi khác để bán.

Ổn định cuộc sống

Ông Hồ Sỹ Thi ở thôn 4 cũng như nhiều người dân Hương Sơn luôn ý thức, những hỗ trợ của Nhà nước, các ban ngành chỉ là động lực, tạo điều kiện thúc đẩy cho người dân vươn lên trong cuộc sống. Để thoát được nghèo, có một cuộc sống ổn định, khá giả thì chính người dân phải tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại.

Những ngày đầu bắt tay triển khai xây dựng NTM, ngoài các diện tích trồng cao su từ trước, ông Thi mạnh dạn xin địa phương khai hoang trồng thêm 4 ha keo tràm và nuôi 5 con bò. Từ khi các lứa bò xuất bán, cộng với nguồn thu từ cao su, keo tràm cho thu hoạch, bình quân mỗi năm gia đình ông Thi thu nhập trên 100 triệu đồng. Thấy được các mô hình kinh tế hiệu quả của ông Bí, nhiều hộ dân học tập làm theo đã ổn định cuộc sống, có cơ hội vươn lên khá giả.

Chủ tịch UBND xã Hương Sơn đánh giá, có được diện mạo như hôm nay, ngoài sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án khoảng 100 tỷ đồng (trong vòng 10 năm) còn có sự đóng góp tích cực của người dân về ngày công và tiền của. Những công trình lớn ngoài khả năng đóng góp kinh phí thì người dân sẵn sàng hiến đất, hiến cây và tham gia ngày công xây dựng. Những công trình quy mô vừa và nhỏ thì địa phương huy động nguồn lực, kinh phí từ Nhân dân đóng góp cùng với hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng.

Người dân Hương Sơn còn biết tận dụng, khai thác và phát huy tiềm năng vốn có của địa phương để phát triển sản xuất, nhất là mở rộng diện tích cây sao su, chuối, cam, các mô hình chăn nuôi gía trị...

Những năm gần đây, các hộ còn đưa một số loại rau màu, cây ngắn ngày phù hợp, có giá trị kinh tế vào sản xuất mang lại thu nhập từ 50-100 triệu đồng/ha. Nhiều hộ trồng cao su, rừng kinh tế, kết hợp chăn nuôi, trồng trọt đã vươn lên khá giả, làm giàu như Hoàng Văn Bông, Hồ Sỹ Tương, Nguyễn Ngọc Đưng...

Đến nay, toàn xã Hương Sơn có trên 321,5 ha cao su; diện tích vườn nhà trên 50 ha, 53 ha rau, đậu các loại; gần 3.900 ha rừng trồng kinh tế… Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn dưới 5%, thu nhập bình quân đầu người trên 30 triệu đồng/năm; trên 80% đường giao thông được bê tông, tráng nhựa, 100% hộ dùng điện, 99% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh; các thiết chế văn hóa được đầu tư cơ bản hoàn thiện...

Bài, ảnh: Hoàng Triều