Trồng rừng đang thay đổi cuộc sống từng ngày của người dân Phong Mỹ

Xoá hẻo lánh, cách trở

Băng qua cây cầu Nà Mây nối Tỉnh lộ 9 về các thôn, bản triền tây của xã Phong Mỹ (Phong Điền), chúng tôi đi trên con đường thảm nhựa, bê tông vào bản Khe Trăn cách trung tâm xã chừng 15 phút xe máy. Trước kia, khi chưa có cầu Nà Mây, bản Khe Trăn gần như biệt lập với cuộc sống bên ngoài do ngăn cách dòng khe Me hiểm trở phía thượng nguồn Ô Lâu.

Bản Khe Trăn hiện có 50 hộ dân tộc Pa Hy sinh sống. Bản Hạ Long có 115 hộ, trong đó 65% người dân tộc Pa Hy, 30% người dân tộc Vân Kiều và các dân tộc khác như: Kinh, Cơtu, Pacô, Dao...

 Hồi tưởng lại từ khoảng trước những năm 1992, ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng bản Khe Trăn và nhiều bà con trong bản không khỏi rùng mình. Năm nào thời tiết thuận lợi thì người dân có gạo tạm đủ ăn, năm nào thất bát xem như thiếu ăn suốt nhiều tháng liền, phải vào rừng hái lá, đào củ, săn bắt động vật đắp đổi qua ngày.

Từ sau năm 1992, thời điểm chuyển trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cao su, trồng rừng theo dự án trồng 5 triệu ha rừng của Chính phủ, cuộc sống của người dân cách vài năm sau đó đã có những cải thiện đáng kể. 

Nhất là từ năm 2007, sau khi được giao đất, nhiều hộ đã chủ động canh tác trồng rừng xoá đói, giảm nghèo. Giờ đây, 50 hộ dân ở bản Khe Trăn tất thảy đều có rừng, hộ ít nhất 1,5ha, nhiều nhất trên 25ha.

Riêng bản Khe Trăn có 360ha rừng trồng, cao su, sản xuất nông nghiệp; bản Hạ Long có 250ha rừng trồng, 24ha cao su; 7,8ha ruộng và 6,7ha hoa màu.

Từ ngày có cầu, nhiều tuyến đường bê tông được nối dài, mở rộng, việc đi lại, giao thương, vận chuyển sản phẩm sản xuất thuận lợi hơn rất nhiều. 100% đường chính và khoảng 90% đường nhánh của bản Hạ Long và Khe Trăn đã được bê tông. Ngoài hệ thống điện thắp sáng trong dân đã có từ cách đây hơn 15 năm, khoảng một, hai năm nay, nhờ vận động trong dân đóng góp, điện chiếu sáng đã được đầu tư trên trăm triệu đồng để thắp sáng nhiều km điện đường nội bản, không còn cảnh heo hút, vắng vẻ, mất an toàn lúc đêm tối.

Đối với người dân 2 bản Hạ Long, Khe Trăn, có nguồn nước sạch từ hệ thống nước tự chảy được địa phương đầu tư đã là niềm vui lớn, xoá cảnh phải đi gánh nước suối, đào giếng sâu. Phấn khởi hơn khi đường ống nước máy từ Nhà máy nước sạch Phong Thu của Công ty CP Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế đã đưa vào tận bản. Giờ chỉ còn thêm khâu đấu nối đường ống từ hệ thống chính vào nhà dân là có thể sử dụng nước máy đảm bảo sạch, an toàn.

Nuôi rừng và hưởng lợi từ rừng

"Chúng tôi không lấy đi của rừng hoàn toàn. Nhờ vun xới, tái sinh và giờ chúng tôi đang hưởng lợi, hưởng từ môi trường xanh mát, suối nước trong lành. Bản làng đang trồng rừng bền vững, giữ rừng và làm du lịch sinh thái nhờ rừng", Trưởng bản Hạ Long - Lê Văn Lục chia sẻ.

Năm 2018, Ban quản lý rừng cộng đồng bản Hạ Long được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng hơn 225 triệu đồng. Bản Khe Trăn cũng nhận được trên dưới 60 triệu đồng/năm tiền dịch vụ môi trường rừng. Số tiền trên được các ban quản lý rừng cộng đồng chi phục vụ tuần tra, bảo vệ rừng và một phần cho các hộ vay vốn xoá đói giảm nghèo.

Cùng với trồng rừng, giữ rừng và hưởng lợi từ rừng, giờ đây, số hộ nghèo của bản Hạ Long chỉ còn 4 hộ. Thu nhập bình quân đầu người ở bản này là 27 triệu đồng/năm. Bản Khe Trăn hiện có mức thu nhập bình quân đầu người 37 triệu đồng/năm, xếp hạng cao nhất, nhì của xã Phong Mỹ.

Ông Hoàng Chiến, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ cho biết: So với 8 thôn khác của xã Phong Mỹ, 2 bản dân tộc Hạ Long, Khe Trăn có mặt bằng chung về phát triển kinh tế - xã hội cơ bản đồng đều; ổn định về các mặt: giáo dục, an ninh chính trị, môi trường... Trong định hướng sắp tới, ngoài cơ sở về rừng, cây cao su hiện có, xã tập trung cải tạo vườn tạp đầu tư trồng cây có múi, hỗ trợ chăn nuôi gà thảo dược, nuôi bò, dê bán công nghiệp; phát triển du lịch sinh thái cộng đồng thông qua đầu tư xây dựng bài bản để khai thác hiệu quả, bền vững các khu suối thác như A Đon, khe Me, khu du lịch sinh thái đầu nguồn sông Ô Lâu...

Điển hình làm kinh tế giỏi với trong tay vài chục ha rừng trồng, cao su phải kể đến ông Nguyễn Văn Muốc, bản Khe Trăn với tổng thu nhập từ các nguồn trên mỗi năm gần 500 triệu đồng. Hộ ông Trần Ngọc Chiếu (bản Hạ Long), Nguyễn Văn Ráo, Nguyễn Văn Nguyền (bản Khe Trăn)... từ trồng rừng, cao su, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ cũng có mức thu nhập mỗi hộ hơn 200 triệu đồng/năm.

"Để dân tin, chăm lo phát triển kinh tế, mình cũng phải làm giỏi. Sau khi lập gia đình, khoảng từ năm 2004 đến nay, trong tay vợ chồng đang sở hữu hơn 15ha rừng sản xuất và gần 5ha cao su, với mức thu nhập mỗi năm hơn 200 triệu đồng", Trưởng bản Nguyễn Văn Phúc vui vẻ khoe thành quả.

Ngoài bảo vệ rừng tự nhiên, phát triển rừng sản xuất, thông qua dự án Trường Sơn Xanh, người dân 2 bản Khe Trăn, Hạ Long đưa vào trồng xen dưới tán rừng khoảng 30ha cây dược liệu như cây ba kích, thiên niên kiện... Mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng không chỉ tăng cường công tác chăm sóc bảo vệ rừng mà còn mở ra cơ hội việc làm, tạo ra sản phẩm đặc trưng cho địa phương để phát triển sinh kế bền vững.

Bà con trong bản đang khai thác các điểm suối, thác thiên nhiên ban tặng như A Đon, khe Me... để phát triển du lịch sinh thái. Ý tưởng của người dân và chính quyền xã Phong Mỹ sẽ xây dựng đề án phát triển, đầu tư kết nối liên hoàn các khu du lịch sinh thái cộng đồng thác A Đon, khe Me, khe Mối, khu du lịch sinh thái đầu nguồn sông Ô Lâu... thành hệ thống khu du lịch sinh thái, nghỉ mát dọc bìa rừng Phong Mỹ.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG