Sau trận đại hồng thủy này, có 4 người được truy tặng danh hiệu liệt sĩ, trong đó có một dân thường. Hàng chục người khác được Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh tặng bằng khen và bao cá nhân, tập thể thầm lặng giúp người...

Ngã ba Tuần ở đầu nguồn sông Hương là nơi bị càn quét nặng nề trong trận lụt năm 1999. Ở đó, những câu chuyện về tình người trước cái chết-sự sống vẫn được lưu truyền.  

20 năm trước, ông Lê Văn Trừu làm nghề lái đò ở bến Than, đưa khách sang ngã ba Tuần.

Mưa to, nước dâng cao, chiếc thuyền gỗ nhỏ của ông đã cứu sống không biết bao nhiêu người dân ở thôn Cư Chánh.

Người dân bảo: “Cứu một mạng người còn hơn xây bảy tòa tháp. Vậy mà trong lũ, ông Trừu đã cứu cả trăm người"!

Sáng 2/11/1999, mưa như thác đổ. Ông Trừu vội đưa vợ con đến nơi  an toàn rồi bẻ lái thuyền đến bến Than, cứu những người mắc kẹt trên mái nhà.

“Mưa rất to, nước phăng như thác. Tôi không kịp nghĩ gì, cứ nghe ở đâu có tiếng la hét, kêu cứu thì đến”, ông Trừu nhớ lại.

Rời bến Than, ông ngược lên xóm Hòa Lương. Mỗi chuyến chở được hàng chục người. Một nhóm công nhân mắc kẹt ở mỏ đá Ga Lôi bị cô lập trong lũ cũng được ông cứu.

 “Trên đường cứu người ở xóm Hòa Lương, thuyền vướng vào dây điện, không cách gì thoát ra được. Tui nghĩ chắc mình chết. Nhưng dòng nước xoáy bất ngờ đẩy ghe ra xa”, ông Trừu kể về giây phút cận kề lằn ranh sinh tử.

20 năm sau, hồi tưởng về những ngày khủng khiếp ấy, nói về việc làm quả cảm của mình, người đàn ông đưa đò ấy cười hiền: “Tui đã làm cái việc mà ai cũng phải làm. Bà con chòm xóm không còn thì mình sống với ai…”.

Ở rốn lũ nơi ngã ba Tuần, xã Hương Thọ (TX Hương Trà) có 5 người hùng được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong trận lũ 1999. Trong giây phút nguy nan, họ đã quên cả tính mạng để cứu học sinh thân yêu, những người hàng xóm láng giềng gắn bó với mình... 

Thầy giáo Lê Vĩnh Thái (hiện là Phó Tổng Biên tập Tạp chí sông Hương) là một trong 5 người hùng ấy. Anh – thời điểm ấy là thầy giáo cùng đồng nghiệp cứu 57 học sinh mắc kẹt ở Trường THCS Hương Thọ.  

Chiều 1/11/1999, nước bất ngờ dâng cao đột ngột. Thầy giáo Lê Vĩnh Thái, Hoàng Thái cùng bác bảo vệ Lê Văn Hồng không về nhà. Họ quyết định ở lại trường để bảo đảm an toàn cho 57 học sinh nói trên.

Thầy giáo Lê Vĩnh Thái (trái) cùng bác Lê Văn Hồng được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen sau trận lụt 1999

Sáng hôm sau, nước dâng lút ngực, rồi đến cổ. Những chiếc bàn được kê cao chẳng mấy chốc chìm trong màn nước. Chỉ còn cách cuối cùng là chui lên mái nhà. Nhưng mái nhà làm bằng những thanh gỗ kiên cố nên không thể bẻ gãy.

“Khi ấy, mình chợt nhớ đến cây rựa của bác bảo vệ thường dùng chẻ củi nấu cơm hàng ngày. Mình liền lặn tìm nhưng mãi không thấy. Cuối cùng nhờ bác Hồng lặn xuống thì mò được cây rựa, mừng run cả người”, thầy Thái kể.

Thầy Thái, bác Hồng, bác Lựa cùng một số học sinh được cứu trở lại 
trường THCS Hương Thọ sau 20 năm

Nhờ cây rựa ấy, thầy Thái và bác bảo vệ đã chặt gãy những chiếc rui, mèn bằng gỗ, dỡ mái ngói của lớp học, giải thoát 57 học sinh.

“Hồi đó thầy Thái mới ra trường, chừng đôi mươi. Người chỉ nhỉnh hơn học sinh có chút xíu. Đến khi đưa vai lần lượt cho từng đứa nhỏ trèo lên mái nhà thì thầy nằm vật ra, kiệt sức”, bác Hồng nhớ lại.  

Giây phút nguy nan, thầy giáo Vĩnh Thái, Hoàng Thái và bác Hồng không ngờ, một sản phụ cùng gia đình đến trú ẩn cũng mắc kẹt trong một phòng học bên cạnh. Nghe tiếng kêu cứu, mọi người tiếp tục dùng rựa trổ mái ngói, cứu những người bên dưới.

 

Cũng là lúc, chiếc đò đầu tiên của của chị Võ Thị Thảo cùng cha là bác Võ Đại Hồng trong xã kịp đến rồi thuyền của bác Võ Đại Lựa lần lượt đưa tất cả lên quả đồi gần nhất. Tưởng đã an toàn nhưng chỉ một lúc, nước lũ đã “đuổi” kịp. Cả đoàn người tiếp tục chạy bộ đến một quả đồi cao hơn.  

Suốt đêm ấy, mấy chục con người trong cảnh đói, rét, sợ hãi và kiệt sức, chỉ kịp nhặt nhạnh mấy tấm tôn che mưa, thầy và trò dựa lưng vào nhau, chờ trời sáng...

Ở một quả đồi khác, bất chấp những trận mưa trút xuống, người sản phụ may mắn được thầy Thái cứu đã sinh hạ một cậu con trai trong sự bao bọc của những người chạy lũ. Chị đặt tên con là Thắng như niềm tin mãnh liệt của người mẹ vào điều kỳ diệu sẽ đến....

Nhớ về khoảnh khắc nghiệt ngã, mẹ Thắng nghẹn ngào: “Hôm ấy, nếu không có hai thầy Thái, không có bác Hồng, bác Lựa thì mẹ con tôi không còn trên cõi đời ni”!

 

Lê Thị Cẩm Hương là một trong số 57 học sinh thoát nạn trong lũ. Nhắc lại ký ức xưa, giọng chị như nghẹn lại. Chị Hương bảo: “Ba ngày hai đêm chạy lũ trong đói, khát, lạnh lẽo, tụi em chỉ biết bấu víu vào các thầy. Đó là ký ức suốt đời không bao giờ em quên”.

Trong số 57 học sinh mắc kẹt hôm ấy có hai chị em ruột Lê Thị Diệp (lớp 8A), Lê Thị Chi (Lớp 7B). Gặp lại các thầy và bạn bè nhân kỷ niệm 20 năm sống sót sau lũ 1999, Chi thật lòng: “Sau này về nhà mới hay, cả nhà không ai dám nghĩ đến điều may mắn là tụi em còn sống. Chỉ dám hy vọng lỡ chết thì xác đừng trôi ra biển...”.

Những ngày thầy Thái bám trường theo học trò, trong căn nhà nhỏ tại TP. Huế, người thân của thầy không dám hy vọng con mình còn sống. Người cha già đến Đài Tưởng niệm chiến sĩ trận vong trước Trường THPT Quốc Học, nơi đặt nhiều thi thể của người xấu số, lật từng mặt người để tìm con....

Trong tận cùng tuyệt vọng, điều kỳ diệu đã đến từ những “người hùng” như hai thầy giáo tên Thái, bác Hồng, ông Trừu... Chỉ với cây rựa, chiếc thuyền và lòng dũng cảm, họ đã cứu hàng trăm người qua lũ dữ.

 

 

Ngôi nhà nhỏ của gia đình ông Võ Cháu nằm trên Thượng Thành thuộc tổ dân phố 1, phường Tây Lộc, TP. Huế từng cưu mang hơn 100 người dân trong 3 ngày lụt năm 1999.

Trong số những người tránh lũ có 3 nhân vật đặc biệt: Hai phụ nữ gần tới ngày sinh và bé gái Nguyễn Thị Minh Thư, vừa sinh được đúng một tháng. Cả nhà đang chuẩn bị làm lễ đầy tháng cho Thư thì lụt đến. Vậy là gạo, nếp, đậu.. được mang sang nhà ông Cháu nấu, làm cái lễ đơn giản. Bây giờ, Minh Thư đã trở thành sinh viên của Đại học Huế.

Thời điểm đó, ông Cháu làm nghề kéo xe bò, vợ buôn bán lặt vặt, trong nhà chỉ có một ít lương thực dự trữ. “Rau trồng trên Thượng Thành có sẵn, áo quần trong nhà được mang ra phát hết. Ngủ thì dựa lưng vô tường. Nhà có chi ăn nấy, chia nhau cầm hơi thôi”. Ông Cháu lục lại từng "hình ảnh" bằng trí nhớ của một người gần đất xa trời.

Ông Võ Cháu (bìa trái) cùng gia đình chia sẻ với phóng viên chuyện cưu mang người trong lụt 1999

 

Chị Võ Thị Phúc, con gái của ông Cháu khoe: “Cả chị và ba chị sau đợt ấy đều được UBND tỉnh khen tặng. Ba mạ chị không còn minh mẫn như xưa nhưng hễ nhắc tới chuyện giúp người năm 1999 thì ông bà nói vanh vách. Tết năm 2000, những người từng sống nhờ mấy ngày lũ mang quà tới cảm ơn. Nhiều lắm, ông bà lại mang tặng cho những người nghèo khác”.

Thời điểm 1999, nước lũ dâng nhanh và liên tục. Nhiều khu vực ở thành nội ngập sâu, phải sơ tán. Việc chạy lũ cực kỳ nguy hiểm.

Tại vùng Tây Linh, khu vực thấp trũng ở phường Thuận Lộc, TP. Huế, nhiều người được anh Hoàng Đình Thảnh chèo ghe đưa đến chùa Tây Linh trú ẩn. Chùa chỉ có một căn gác nhỏ ở gian giữa không bị ngập. 50 người dân đến trú lại đây trong 2 ngày được nhà chùa cứu đói bằng bánh in và bột ngũ cốc.

Đón được chòm xóm đến chùa, anh Thảnh về nhà đón mẹ và hai con. Đến sân chùa thì thuyền lật úp. Cứu được con gái lớn bám vào thuyền, anh Thảnh lặn tìm mẹ và con trai út nhưng đuối sức. Anh đã cứu được hàng chục người dân nhưng không cứu được mình và người thân. 

Sư cô Thích Nữ Như Minh, trụ trì chùa Tây Linh ứa nước mắt khi kể lại khoảnh khắc đón con gái anh Thảnh vào chùa. Cô bé lúc này đã rơi vào hoảng loạn. Đọc lại bài thơ kể về khoảnh khắc đó, giọng sư Như Minh nghẹn lại bởi những hình ảnh quá đỗi đau xót như đóng đinh trong tâm trí của một người hiền lành chuyên ăn chay tịnh độ.

Đến nay, con gái anh Thảnh đã lớn và lập gia đình, chị cùng mẹ chuyển vào cư trú ở TP. Đà Nẵng. Anh Hoàng Đình Thảnh được truy tặng danh hiệu liệt sĩ sau đó.

Khắp nơi bị chia cắt, việc cứu hộ không hề đơn giản, những người lính ở thời điểm nguy nan đã theo mệnh lệnh trái tim, lao vào mưa lũ cứu dân.

Cách chùa Tây Linh vài chục cây số, đêm 2/11, ở vùng biển thuộc huyện Phú Vang, lũ đánh trôi, mở ra một cửa biển mới ở khu vực Hòa Duân, cuốn trôi hàng chục người dân thôn Hải Thành.

Nghe tiếng kêu cứu, các chiến sĩ Hải Đội 2 (đóng ở thị trấn Thuận An) cùng 2 tàu xuất kích lao vào mưa lũ. Khi tiếp cận được ngôi nhà đang bị nước cuốn, một số người dân nhảy được lên tàu nhưng cả 2 chiếc tàu đều bị cuốn ra biển. 

Trong số 5 chiến sĩ bám tàu cứu dân đêm ấy, trung úy Phạm Văn Điền và binh nhất Lê Đình Tư đã mãi mãi nằm lại trong lòng biển ở tuổi đôi mươi... 

Đại tá Nguyễn Đăng Tâm, nguyên Hải đội trưởng Hải đội 2 thời điểm 1999 không cầm được nước mắt khi nhớ lại chuyện cũ. Liệt sĩ Phạm Văn Điền và Lê Đình Tư đã lao vào dòng lũ cứu dân bằng mệnh lệnh từ trái tim. “Đó là ký ức hào hùng, nhắc nhở chúng tôi và những người lính biên phòng, mãi mãi là điểm tựa của người dân trong mọi hoàn cảnh”, đại tá Tâm nói.

Còn ở vùng cao huyện Nam Đông, thiếu úy Nguyễn Công Minh bất chấp hiểm nguy giúp người dân xã Hương Phú di chuyển, tránh sạt lở. Cứu được dân thì một quả núi đổ xuống, vùi lấp. Anh Minh hy sinh khi tuổi đời chỉ mới 26.

Những người lính đã ngã xuống. Tuổi thanh xuân của họ đã hòa vào dải đất lắm mưa nhiều nắng này. 20 năm, 30 năm hay lâu hơn nữa, những câu chuyện, những hình ảnh, những cái tên ấy sẽ còn mãi trong lòng đất và lòng người...