Đầu năm 2020, Bali sẽ trở thành một hòn đảo hữu cơ theo quy định của Thống đốc tỉnh về quản lý chất thải tại điểm nguồn.
Đảo du lịch Bali của Indonesia.
Hiện nay mỗi ngày, đảo du lịch Bali sản xuất ra khoảng hơn 4.000 tấn rác. Chỉ 48% số rác thải này được xử lí đúng cách và 4% trong số đó được tái chế.
Cho rằng quy trình xử lí rác thải cũ bao gồm thu gom, vận chuyển và xử lí là chưa hợp lí, chính quyền tỉnh Bali cuối tuần trước đã ra quy định về việc xử lí chất thải tại điểm nguồn.
Thống đốc Bali, ông Wayan Koster nhấn mạnh, mô hình xử lí rác thải cần được thay đổi: "Quy định mới được ra đời với tinh thần xây dựng văn hoá sống sạch và nâng cao chất lượng môi trường sống và sức khoẻ người dân. Rác thải phải được phân loại và xử lý ngay từ điểm nguồn".
"Bất cứ ai tạo ra chất thải đều có trách nhiệm quản lý hoặc xử lý chất thải cho đến khi hoàn thành. Bởi vâỵ, cộng đồng đóng vai trò quản lý rác thải ngay từ trong các hộ gia đình. Các bãi rác thành phố đã trở nên quá tải gây ô nhiễm không khí và nguồn nước. Để có một Bali sạch, xanh, đẹp, cần xây dựng văn hóa sống sạch", ông Wayan Koster nói.
Theo đó, rác thải sẽ được xử lý ngay từ trong các hộ gia đình. Người dân sẽ được hướng dẫn phân loại và xử lí rác thải đúng cách. Rác thải hữu cơ sẽ được xử lý thành phân hữu cơ dùng cho nông nghiệp. Rác thải vô cơ sẽ được thu gom và phân loại. Mỗi làng sẽ xây dựng cơ chế xử lí rác thải riêng, thậm chí đưa vào quy định và phong tục của làng. Quan trọng là rác thải khi mang đến điểm tập kết sẽ không còn là rác nữa mà là sản phẩm của quá trình xử lí từ nguồn.
Thống đốc Bali cũng đưa ra các biện pháp trừng phạt nếu có vi phạm về rác thải. Quy định mới này được cho là sẽ đẩy nhanh các nỗ lực bảo vệ và cải thiện môi trường tự nhiên của Bali, hòn đảo đang đứng thứ 4 trong 25 điểm đến du lịch hàng đầu thế giới do TripAdvisor bình chọn.
Theo VOV