Vương Hy Nhạc (bên trái). Ảnh: VOV

Với động thái mang tính xây dựng “hiếm hoi” này, hai bên đều đã đưa ra những phản ứng tích cực. Đặc biệt, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn kỳ vọng hai bên có thể làm việc với nhau để đạt được “một điều gì đó” lớn hơn trong tương lai.

Theo thỏa thuận trao đổi tù nhân, Iran đã phóng thích nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Hoa, Vương Hy Nhạc, bị Tehran bắt giữ từ năm 2017 và tuyên án 10 năm tù với tội danh gián điệp. Đổi lại, Mỹ đã trả tự do cho giáo sư người Iran Massoud Soleimani, vốn đang đối mặt với các cáo buộc vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ chống lại Iran.

Hãng Thông tấn quốc gia Iran IRNA cho biết, ngay trong đêm qua (7/12 – theo giờ địa phương), nhà khoa học Iran Soleimani đã về tới thủ đô Tehran và được đích thân Ngoại trưởng Javad Zarif ra đón tại sân bay. Vị giáo sư này được trả tự do sau một năm bị phía Mỹ giam giữ và các quan chức Iran tại Thụy Sĩ trước đó đã tiếp nhận ông. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã bày tỏ cảm ơn các bên liên quan, đặc biệt là Chính phủ Thụy Sĩ - quốc gia đại diện cho các lợi ích của Mỹ ở Iran. Ông Zarif tái khẳng định, nhà khoa học Iran đã bị Mỹ bắt cóc sau khi Washington đã cấp thị thực cho ông này và mời tham gia các nghiên cứu khoa học tại Mỹ.

Dự kiến, ngày mai, nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Hoa, Vương Hy Nhạc mới về tới thủ đô Washington. 

Tuy nhiên, phản ứng trước vụ việc, Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng cảm ơn Iran về việc trao đổi tù nhân giữa hai nước. Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Washington, Tổng thống Mỹ bày tỏ vui mừng và hi vọng động thái mới nhất này là tiền đề để hai bên có thể đạt được “một điều gì đó” trong tương lai.

“Chúng tôi rất vui khi con tin người Mỹ trở lại. Toàn bộ cộng đồng trường Đại học Princeton đang rất xúc động. Đây là vụ trao đổi, 1 đổi lấy 1. Tôi nghĩ đây cũng là 1 điều tuyệt vời với Iran. Tôi nghĩ thật tuyệt khi nó chứng tỏ rằng chúng ta có thể làm một cái gì đó với nhau. Nó có thể là “khởi đầu” cho những gì chúng ta có khả năng thực hiện”.

Tổng thống Donald Trump cũng nhấn mạnh, ưu tiên lớn nhất của Mỹ đó là đảm bảo an toàn cho các công dân của mình. Việc trả tự do cho các công dân Mỹ bị bắt giữ có ý nghĩa quan trọng và chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực đưa tất cả các công dân, mà ông cho rằng bị bắt giữ sai, trở về nước.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng nhấn mạnh, Mỹ vui mừng vì Iran đã có cách tiếp cận xây dựng trong vấn đề này. Mỹ tiếp tục kêu gọi Iran thả tất cả các công dân Mỹ mà Washington cáo buộc Têhran bắt giữ “không công bằng”.

Giới chuyên gia nhận định, dù đã có những tín hiệu tích cực hiếm hoi đầu tiên, song vẫn còn quá sớm để nói về tương lai của mối quan hệ Mỹ - Iran, bởi lẽ bất đồng hiện tại giữa 2 bên là quá lớn, cùng với đó là những chính sách “cứng nhắc và không chịu nhượng bộ” từ cả 2 phía.

Quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã rơi vào khủng hoảng từ tháng 5/2018 - thời điểm Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran với các cường quốc. Sau đó, Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia vùng Vịnh này nhằm ngăn chặn hoạt động xuất khẩu dầu mỏ, yêu cầu Iran đàm phán về một thỏa thuận mới, không chỉ gồm vấn đề hạt nhân mà còn cả vấn đề tên lửa đạn đạo, cũng như ý muốn hạn chế sức ảnh hưởng của Iran tại khu vực. 

Tuy nhiên, Iran đã kiên quyết lập trường chỉ đàm phán khi Mỹ tham gia trở lại thỏa thuận hạt nhân, dỡ bỏ hết các lệnh trừng phạt; đồng thời khẳng định, vấn đề tên lửa của Iran thể hiện sức mạnh phòng thủ quốc gia không phải là 1 vấn đề có thể đem ra đàm phán.

Hiện Iran đang từng bước cắt giảm các cam kết của nước này trong thỏa thuận hạt nhân 2015, nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ và sự phản ứng chậm chạp của các nước châu Âu trong việc bảo vệ lợi ích của Iran. Hôm qua, một quan chức cấp cao của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) khẳng định, Tehran sẽ sớm ra mắt máy ly tâm làm giàu urani thế hệ mới, có khả năng sản xuất urani làm giàu với tốc độ nhanh hơn.

Theo VOV