Như vậy, bên cạnh việc kêu gọi ngừng bắn trước thềm Thế vận hội Olympic Tokyo vào năm tới, được tổ chức từ ngày 24/7 – 9/8 và Paralympic Tokyo diễn ra từ 25/8 – 6/9, nghị quyết cũng kêu gọi các quốc gia xem thể thao như một công cụ để thúc đẩy hòa bình, đối thoại và hòa giải.
Liên Hiệp quốc thông qua quyết định ngừng bắn trước thềm thế vận hội Tokyo 2020. Ảnh minh họa: Vietnam+
Đại hội đồng Liên Hiệp quốc nhất trí thông qua nghị quyết kêu gọi tất cả các quốc gia tuân thủ thỏa thuận tạm thời ngừng bắn trước khi diễn ra Thế vận hội Mùa hè Tokyo 2020 diễn ra tại Nhật Bản, trong đó thể thao có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình, tăng sự khoan dung, hỗ trợ ngăn chặn và chống lại chủ nghĩa khủng bố, cũng như chủ nghĩa cực đoan bạo lực.
Tại đây, các nhà ngoại giao các nước đã nhất trí tán thành khi chủ tịch hội đồng tuyên bố thông qua nghị quyết của Đại hội đồng bao gồm 193 nước thành viên.
Nghị quyết đã nhắc lại truyền thống Hy Lạp cổ đại “Ekecheiria”, hay còn gọi là thỏa thuận ngừng bắn nhằm kêu gọi chấm dứt chiến sự để khuyến khích xây dựng một môi trường hòa bình và đảm bảo việc đi lại, cũng như tham gia sự kiện an toàn của các vận động viên trong kỳ thế vận hội thời đó.
Như vậy, bên cạnh việc kêu gọi ngừng bắn trước thềm Thế vận hội Olympic Tokyo vào năm tới, được tổ chức từ ngày 24/7 – 9/8 và Paralympic Tokyo diễn ra từ 25/8 – 6/9, nghị quyết cũng kêu gọi các quốc gia xem thể thao như một công cụ để thúc đẩy hòa bình, đối thoại và hòa giải.
Thomas Bach, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) phát biểu trước Đại hội đồng rằng khi Liên Hiệp quốc kỷ niệm 75 năm thành lập vào năm 2020, đồng thời cũng là thời gian diễn ra thế vận hội, không còn cơ hội nào tốt hơn để tôn vinh các giá trị chung của cả hai sự kiện nhằm thúc đẩy hòa bình giữa tất cả các nước và mọi người trên thế giới.
Đan Lê (Lược dịch từ Japan Times)