Một khách du lịch đang tham quan Đền Luxor ở miền Nam Ai Cập. Ảnh: Reuters

Ông Abdelhakim Elbadry, một chuyên gia phục hồi di tích làm việc tại khi đền cổ 7.000 năm tuổi Karnak của Ai Cập, cho biết, nhiệt độ ngày càng cao do biến đổi khí hậu, cũng như các kiểu thời tiết cực đoan hơn, đặc biệt là mưa lớn và lũ lụt, đang gây ra các “tổn thương” ngày càng lớn trên các bia đá cổ xưa.

"Những thay đổi xuất hiện một cách đáng lo ngại, gây thiệt hại và các vết nứt trên mặt tiền của nhiều ngôi mộ cổ cũng như sự thay đổi màu sắc của các viên đá khảo cổ do nhiệt độ và độ ẩm cao", khi những viên đá granit từng có màu hồng đã phai thành màu hồng nhạt hoặc thậm chí là màu xám nhạt trong 15 năm qua, ông Elbadry giải thích.

Các chuyên gia bảo tồn cho biết, biến đổi khí hậu đang khiến những nỗ lực bảo vệ các địa điểm khảo cổ nổi tiếng nhưng dễ bị tổn thương của Ai Cập càng trở nên khó khăn hơn.

Từ Kim tự tháp và Nhân sư cho đến Thành cổ Qaitbay và nhà hát La Mã cổ đại gần Biển Địa Trung Hải, các di tích lịch sử của nước này đang phải đối mặt với các mối đe dọa ngày càng tăng từ thời tiết khắc nghiệt và nước biển dâng cao.

Nhà Ai Cập học Zahi Hawass - cựu Bộ trưởng Bộ Các vấn đề Cổ vật của đất nước – tiết lộ rằng hầu như tất cả các địa điểm khảo cổ ngoài trời ở Ai Cập đều gặp nguy hiểm do gió và độ ẩm gia tăng, nhiệt độ cao và lũ lụt nghiêm trọng hơn.

"Tôi tin rằng trong 100 năm nữa, tất cả các cổ vật này sẽ biến mất vì biến đổi khí hậu", ông Hawass nói, đề cập đến nguy cơ suy giảm nghiêm trọng ​​của các di tích.

Trong bối cảnh đó, ông đã kêu gọi một nỗ lực chung của Ai Cập và Liên minh châu Âu nhằm cố gắng giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với các cổ vật Ai Cập.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Reuters)