Ông Rô kiểm tra chum nguyên liệu

Mắm dưa đu đủ là sản phẩm có “thương hiệu” của Vinh An, bởi loại mắm này nhiều năm qua đã “đi” Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và ra nước ngoài. Trong hơn 30 hộ dân chuyên sản xuất loại mắm này, gia đình ông Lê Văn Rô là hộ có tiếng, được nhiều khách hàng tìm đến, nhất là dịp tết số lượng đơn hàng tăng cao. Đó là lời giới thiệu của ông Phạm Phụng, Chủ tịch UBND xã Vinh An.

Khuôn viên nhà ông Rô thật “mênh mông”, trong đó căn chái rộng “la liệt” chum lớn, chum nhỏ các loại mắm và mắm nguyên liệu để chế biến món mắm dưa đu đủ. Bà Hà đã ra chợ bán mắm, chỉ có ông Rô ở nhà. “Cũng như nhiều người dân ở địa phương này, gia đình chúng tôi cha truyền con nối, sản xuất các loại mắm, như mắm cá cơm, mắm cá hố mắm cá nục… Thế nhưng mắm dưa đu đủ là sản phẩm được khách hàng ưa chuộng hơn cả nên sản xuất với số lượng nhiều hơn hẳn”- ông Rô kể.

Người đàn ông tuổi ngoài sáu mươi, cả đời gắn bó với mắm dưa đu đủ nói về “đứa con tinh thần” của gia đình, của địa phương bằng vẻ tự hào mộc mạc. “Ông chủ” mở nắp một thẩu mắm dưa đu đủ, mời khách. Lát đu đủ săn sần sật đã ngấm “thính” chế biến từ cá nục tươi ròng cùng các gia vị muối, bắp, ớt được lựa chọn cẩn thận, hương vị đậm đà hấp dẫn, riêng biệt.

Ông Rô cho biết, để có được thẩu mắm dưa đu đủ “đơn giản”, nhưng mang hương vị riêng của Vinh An, chất lượng đảm bảo, để khách hàng nhớ đến, những người làm mắm như vợ chồng ông phải cẩn thận, tỉ mẩn trong tất cả các công đoạn. Đu đủ sau khi bào vỏ, rửa sạch, xắt lát mỏng thì đem phơi nắng. Phải phơi “3 nắng” thì lúc đó lát đu đủ mới săn lại, đạt chuẩn. Người dân Vinh An chỉ chọn cá nục “biển mình”, mới đánh bắt, tươi ròng (không mua cá nục từ các tỉnh khác được vận chuyển đến bằng xe tải), đánh sạch vảy, cắt phần đầu, đuôi (những phần này làm nước mắm để sử dụng trong công đoạn trộn mắm), chỉ lấy thân cá đem lóc thịt. Sau đó đem thịt cá trộn với muối, bắp, ớt tươi giã nhỏ ướp thính trong thời gian 2 tháng. Sau khi “chín”, thính cá nục được đưa ra xắt nhỏ, trộn với đu đủ, nước mắm cá nục và các loại gia vị, cho vào thẩu. 3 ngày là thời gian để thẩu mắm dưa đu đủ thấm thía, thơm nức mũi. Thẩu mắm dưa đu đủ Vinh An không chất bảo quản, nhưng vẫn để được mấy tháng.

“Trộn đu đủ, thính cá nục, gia vị tỉ lệ bao nhiêu là rất quan trọng, chỉ những người “có tay” trong gia đình đảm nhiệm công đoạn cuối cùng này. "Vợ tui là người trộn mắm, chứ tui cũng chịu”- ông Rô lại cười mộc mạc. Ông Rô cho biết, để đáp ứng nhu cầu thị trường tết, gia đình ông đã chuẩn bị số lượng lớn gấp mấy lần ngày thường, thính cá nục, nước mắm, đu đủ phơi khô, các loại gia vị, sẵn sàng “vào thẩu”.

Người dân làm mắm dưa đu đủ ở đây tính số lượng theo vụ cá. Mỗi vụ cá, gia đình ông Rô làm từ 2- 3 tạ đu đủ. Khâu chuẩn bị nguyên liệu cứ gối nhau. Bình quân mỗi ngày hộ ông Rô “xuất xưởng” đến tay khách hàng vài chục thẩu mắm. Khi có “mối” mua đi Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, đi Mỹ làm quà, thì thu nhập nhiều hơn. Hàng năm, mắm dưa đu đủ Vinh An là món quà tặng gửi đi các nơi dịp tết, có khi số lượng lên đến cả ngàn thẩu (thẩu nhỏ 30 nghìn đồng, thẩu lớn 60 nghìn đồng). Và khoảng ngoài 20 tết, đơn đặt hàng mới “tấp nập”. Ông Rô bày tỏ, cứ mỗi dịp tết, gia đình ông và những hộ làm mắm dưa cà vất vả hơn, nhưng cũng vui hơn. Không chỉ vì bán được nhiều, thu nhập cao hơn, mà vì sản phẩm của quê hương mình được nhiều khách hàng lựa chọn cho mâm cơm ngày tết.

Bài, ảnh: Thanh Thảo