'

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại một sự kiện ở Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18/2 cho biết rằng ông muốn tránh các chính sách gây khó khăn cho các nước khác khi làm ăn với nước Mỹ, dù giới quan sát cho rằng chính quyền của ông đã làm điều ngược lại.

Tính đến hiện tại, Tổng thống Trump đã áp đặt thuế quan đối với hàng tỷ USD hàng hóa và gây ra tranh chấp với hầu hết các đối tác thương mại quan trọng của nước Mỹ trong ba năm qua.

Nhưng trong một chuỗi bài đăng khá dài trên trang Twitter cá nhân, ông chủ Nhà Trắng nói rằng ông không muốn khiến việc các nước khác kinh doanh với nước Mỹ trở nên bất khả thi. Vì điều đó đồng nghĩa là các đơn đặt hàng sẽ chuyển đến một nơi khác.

Trong chuỗi bài đăng, Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng nước Mỹ không thể và sẽ không trở thành một nơi “khó khăn” cho việc các nước khác mua sản phẩm của nước này, bao gồm cả lý do An ninh Quốc gia luôn được đưa ra. Theo ông Trump, điều này sẽ khiến các công ty Mỹ buộc phải rời đi để duy trì tính cạnh tranh.

Ông chủ Nhà Trắng cũng khẳng định rằng nước Mỹ đang “sẵn sàng đón nhận” hoạt động thương mại với các nước khác.

Giới quan sát cho rằng những bài đăng của Tổng thống Trump dường như nhắm tới việc các quan chức Mỹ đang xem xét từ chối cấp phép cho CFM International, một liên doanh giữa General Electric (GE) và Safran SA của Pháp, để công ty có thể xuất khẩu thêm động cơ phản lực sang Trung Quốc.

Tổng thống Trump nói ông muốn Trung Quốc mua động cơ phản lực của nước Mỹ - loại động cơ phản lực ông cho là tốt nhất trên thế giới.

Song giới quan sát đã chỉ ra những yếu tố có phần mâu thuẫn trong các tweet mới của ông Trump. Tổng thống Mỹ đã viện dẫn lý do an ninh quốc gia trong chiến lược đối đầu thương mại của mình, áp thuế đối với thép và nhôm trên toàn thế giới để bảo vệ ngành công nghiệp chủ chốt của Mỹ và đe dọa sẽ làm điều tương tự đối với ôtô nhập khẩu từ châu Âu.

Trong cuộc xung đột thương mại đầy gay cấn của nước Mỹ, Tổng thống Trump đã có lúc công bố áp thuế đối với gần như 100% hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Thỏa thuận thương mại Giai đoạn một được hai nước ký vào tháng 1/2020 đã tạm thời đình chỉ những mức thuế gây thiệt hại nặng nề nhất, nhưng đa số các mức thuế khác vẫn được giữ nguyên.

Còn trong tranh chấp liên quan tới vụ kiện kéo dài 15 năm về trợ cấp của châu Âu cho nhà sản xuất máy bay Airbus, Washington đã đánh thuế 25% đối với một loạt hàng hóa, bao gồm các sản phẩm rượu whisky của Scotland, rượu vang Pháp và Tây Ban Nha, pho mát Anh.

Các đối tác thương mại của Mỹ cũng không “đứng yên” khi bị áp thuế. Họ đã trả đũa bằng các biện pháp trừng phạt đối với các mặt hàng của Mỹ như rượu bourbon, xe máy phân khối lớn và nông sản, buộc Chính phủ Mỹ phải viện trợ hàng triệu USD cho người nông dân nước này./.

Theo Vietnam+