Hành khách tại sân bay quốc tế Changi (Singapore) được kiểm tra thân nhiệt để phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh COVID-19. Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN
Điều này phản ánh sự ảnh hưởng kéo dài đối với ngành du lịch; nhu cầu nội địa yếu hơn từ cả các biện pháp giãn cách xã hội và “yếu tố sợ hãi”; cú sốc nguồn cung tạm thời; cũng như sự sụt giảm của nhu cầu bên ngoài đối với hoạt động xuất khẩu, khi chủng virus này lây lan sang các thị trường phát triển, Citi Research cho biết trong một báo cáo được công bố ngày 19/3.
Đánh giá trên được thực hiện sau khi ASEAN ghi nhận "sự gia tăng theo cấp số nhân" của các trường hợp nhiễm bệnh mới kể từ ngày 14/3. Trong đó, Malaysia hiện đang có số trường hợp nhiễm bệnh cao nhất ở ASEAN, với 900 trường hợp.
Ngay cả với sự gia tăng đột biến của các trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh ở Indonesia, Philippines và Thái Lan trong tuần qua, các nhà kinh tế của Citi Research cho rằng, con số này có thể còn tăng cao hơn nữa.
Theo báo cáo nói trên, nhiều khả năng sẽ có thêm ảnh hưởng kéo dài hơn nữa đối với ngành du lịch, khi các hạn chế đi lại được mở rộng ra nhiều thị trường hơn. Trong đó, Thái Lan, Malaysia, và Singapore có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Ngoài ra, những cú sốc nguồn cung tạm thời cũng có khả năng sẽ xảy ra ở Singapore và Thái Lan, do tình trạng đóng cửa của các nhà máy ở Malaysia, trong bối cảnh có hơn 1% giá trị gia tăng của xuất khẩu ở 2 quốc gia này bắt nguồn từ Malaysia.
Trong khi đó, nhu cầu bên ngoài đối với xuất khẩu giảm, do virus lây lan sang các thị trường phát triển cho thấy Indonesia và Malaysia cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi xuất khẩu hàng hóa yếu hơn.
Trong khi Citi Research cắt giảm dự báo GDP đối với ASEAN xuống còn 2,9%, thì công ty này tiếp tục dự báo GDP của khối khu vực trong quý I sẽ giảm xuống còn 2,7% và trong quý II sẽ đạt mức tăng trưởng dự kiến là 2,4%. Nửa cuối năm nay có thể sẽ chứng kiến sự phục hồi ở mức 3,3%.
Thanh Ngân (Lược dịch từ Business Times)