Trường Quân sự tỉnh là một trong những nơi thực hiện cách ly tập trung
 
 

19h tối 19/3, khi chuyến xe cuối cùng trong ngày chở công dân Việt Nam trở về từ các nước không phải là vùng dịch đến Trường Quân sự tỉnh (Trường) thực hiện cách ly tập trung dừng bánh trước cổng Trường, gần 50 người với đủ sắc phục của ngành y tế, quân đội, công an đã có mặt ở vị trí được phân công. Mọi chuyện diễn ra trong nhịp nhàng và trật tự, bởi không tính những ngày trước, chỉ riêng hôm đó, họ đã 2 lần căng sức với phần việc tương tự, và lần này là lần thứ ba.

Sát khuẩn ngay khi xe dừng bánh trước cổng Trường Quân sự tỉnh
 

Từ ngoài cổng cho đến trước khu vực cách ly tập trung bên trong khuôn viên Trường, tùy theo chức năng, vị trí được phân công, họ chia nhau người vòng trong, người vòng ngoài, người tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp để thực hiện nghiêm cẩn, chu đáo từ quy trình sát khuẩn ngay khi xe vừa dừng bánh cho đến lúc đoàn người an vị trên từng chiếc giường trong khu vực cách ly tập trung.


Tiếp đó là sát khuẩn hành lý

Cũng trong khoảng thời gian này, nếu như đội ngũ y tế mướt mồ hôi trong các lều dã chiến để hoàn tất các thủ tục y tế cho những người trong diện cách ly, thì trong và ngoài khuôn viên Trường, lực lượng quân đội, công an lại bận rộn sắp đặt nơi ăn chốn ở, đảm bảo an ninh cho hàng trăm con người cùng tâm thế trực gác xuyên đêm, và không chỉ một ngày…Tôi chợt thầm nghĩ, nếu vừa phải bít bùng trong khẩu trang, áo quần bảo hộ rồi một mặt quán xuyến người ra kẻ vào, mặt khác nhanh chóng, cẩn thận hoàn tất các khâu kiểm tra thân nhiệt, đối chiếu giấy tờ… trong tâm thế nhẹ nhàng, chính xác, tạo cảm giác gần gũi, không phải là chuyện dễ dàng.

 

Lực lượng chức năng đối chiếu giấy tờ ngay ở cổng

Đến tầm 21h30, khi cổng Trường đóng lại, hơn 30 con người tất cả như thoát lực, xụi lơ. Trong đêm đen, những ánh mắt mệt mỏi, những lọn tóc bết từng mảng trước trán, những bóng lưng đẫm mồ hôi, tất cả lặng lẽ mỗi người tự tìm cho mình một góc để thở, để thẳng lưng, để nhắn tin về gia đình, để báo cáo cơ quan rằng cơ bản đã hoàn thành xong nhiệm vụ.

 

Đo thân nhiệt trước khi vào trong khu cách ly tập trung

Nhưng, kể cả khi có người đã trút bỏ đồ bảo hộ, có người đang giúp nhau một lần nữa sát khuẩn toàn thân, thì ai nấy đều không di chuyển khỏi vị trí. Phải đến hơn 22h, sau khi nghe xong cuộc điện thoại, rồi tiếp, là giọng Thượng tá Trần Đình Quang, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ CQS tỉnh nhỏ nhẹ: “Mọi việc hôm nay đã xong. Cám ơn anh chị em, mọi người về ngủ cho lại sức. Hiện bà con đã yên tâm nghỉ ngơi” thì lúc đó, trong ánh đèn nhập nhoạng mới vang lên tiếng thở phào nhẹ nhõm.

Trong Trường Quân sự tỉnh có 2 khu vực dành riêng cho những người cách ly tập trung. Hai khu vực này được phân chia bằng những hàng rào mềm, và luôn có chiến sĩ túc trực 24/24 phía bên ngoài để kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn và sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu phát sinh như nhận quà từ người thân gửi vào hay nhờ mua thứ gì đó của những người cách ly tập trung.

 

Một trong hai dãy nhà dùng để phục vụ những người cách ly tập trong tại Trường Quân sự tỉnh

Sáng hôm ấy, thấy người lạ đứng bên ngoài hàng rào mềm cầm máy ảnh hướng ống kính về phía mình, ông Đ. không ngại ngần, không thụt lùi và không quay mặt né tránh mà cất giọng rổn rảng qua chiếc khẩu trang: “Rứa chú ở báo mô, đài mô? Ưa hỏi chi tới đây tui nói cho nghe. Tui thực hiện theo yêu cầu của Nhà nước nên cách ly chứ có phải bệnh tật chi mô mà sợ tui ngại”.

 

Ông Đ. cho biết điều kiện ăn ở, sinh hoạt tại Trường rất đầy đủ

Ông Đ. người Lộc Bổn, Phú Lộc. Ông qua Lào thăm thân nhân. Khi COVID-19 bùng phát cũng là thời điểm ông cùng con, cháu về Việt Nam. Theo lời ông Đ., trước khi đặt chân tới cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), cả nhà đã xác định tự nguyện cách ly. “Chú cứ đưa lời tui, hình tui lên đài lên báo cho người thân tui biết, cả tỉnh, cả nước biết là trong thời gian ở đây, tui rất hài lòng về mọi thứ”, ông Đ. khẳng định.

“Tui người Lộc Điền, làm ăn bên Lào, kinh tế cũng ổn. Khi xác định cách ly tập trung ở Việt Nam, quả thật có đôi chút lo ngại về điều kiện sinh hoạt, ăn ở. Nhưng sau hai ngày ở đây, tui rất bất ngờ khi thấy điều kiện quá tốt, không có chi phải phàn nàn”, anh L.S.C. đứng gần đó bắt chuyện.

Quà, bánh sinh nhật của người thân gửi cho những người đang cách ly tập trung được một chiến sĩ chuyển đến tận nơi 

Đang muốn tiếp tục câu chuyện thì từ ngoài sân, một bóng áo lính đang lụi hụi đẩy chiếc xe rùa đi vào, bên trên chất đầy những trái cây, bánh kẹo…: “Mời chị/anh… ở phòng… ra nhận quà người thân gửi”… Và trong không khí có chút chộn rộn ấy, bất chợt từng tràng vỗ tay vang lên khuấy động cả khu cách ly khi anh lính cẩn thận lấy từ xe rùa chiếc bánh kem – món quà sinh nhật người thân gửi cho một phụ nữ đang từ trên tầng 2 khu cách ly đi xuống với nét mặt rạng ngời…

     *    *   

 *

Trở về cùng câu chuyện của ông Đ., anh C., thú thật, trong thâm tâm không khỏi gợn lên suy nghĩ: “Chắc gì tất cả những người cách ly tập trung ở đều có chung nhận xét này”. Tuy nhiên, sau lần “đột nhập” bất ngờ vào bếp ăn, rồi tiếp đó là vào thẳng trong phòng những người cách ly, những điều “mắt thấy, tai nghe” đã xóa tan mọi nghi ngờ về đánh giá trước đó của ông Đ., của anh C. …

Mới hơn 8h khu vực nấu ăn Trường Quân sự tỉnh đã vang lên tiếng loảng xoảng xoong nồi chuẩn bị cho bữa trưa. Tại nơi đặt bếp nấu, ngoài 4 thùng inox nấu bằng hơi nước đang sôi lục bục là từng rổ rau củ quả, thịt, cá… đã được sơ chế sạch sẽ, xếp đặt gọn gàng.

Bên trong bếp ăn Trường Quân sự tỉnh

Phía bên cạnh, 5 "anh nuôi" đang tiếp tục rửa rau, cá, thịt, pha nước chấm…, 2 anh nuôi khác đang cặm cụi lau chiếc bàn xi măng dài thượt được ốp gạch men trắng cho đến khi khô ráo, sạch bong, sau đó lần lượt xếp từng hộp xốp, ly nhựa dùng để đựng thức ăn, cơm, canh.

Bữa trưa hôm đó dành cho những người cách ly tập trung gồm: thịt kho, tôm rang, giá xào, rau muống luộc, buổi chiều, thực đơn là cà tím chiên tỏi, củ quả kho thịt, trứng chiên và cá kho, còn trẻ em, là những phần cháo được để riêng một góc khác “Sáng nay bánh mỳ ốp la nên sáng mai đổi thành bánh ướt thịt heo”, 1 anh nuôi như đọc được suy nghĩ nói với qua.

Bữa trưa đã sẵn sàng 

Đến giờ cơm trưa, khi những phần cơm, canh được các chiến sĩ đặt ở nơi quy định, tuần tự những người trong khu cách ly đến nhận khẩu phần của mình. Có phòng còn được chiến sĩ ưu ái đem đến tận nơi. Đánh bạo đi đến phòng số 10 tầng 1 ở dãy nhà cách ly bên tay phải hướng từ cổng Trường đi vào, từ ngoài cửa đã thấy được sự hồ hởi, vồn vã của những người trong phòng: “Nhà báo phải không? Vô đây nói chuyện cho vui”…

Bước vào phòng, chưa kịp mở lời, ông L. H. T. (Thủy Phương, Hương Thủy) xởi lởi, tui nhờ chú chuyện ni. Chú chụp hình phòng ốc, cơm canh sau đó đăng báo dùm tui. Chơ mấy ngày qua, nghe người này chê, kẻ nọ trách rằng cách ly tập trung là phải chịu ăn ở mất vệ sinh, điều kiện thiếu thốn là tui bực bội lắm. “Cơm một bữa bốn món, chỗ ở, nhà vệ sinh sạch sẽ, nước nóng lạnh đầy đủ. Miễn phí như rứa còn đòi cái chi”, ông T. vung tay.

Ông T. (phải) nói: “Cơm một bữa bốn món, chỗ ở, nhà vệ sinh sạch sẽ, nước nóng lạnh đầy đủ. Miễn phí như rứa còn đòi cái chi”

“Thật tình, ban đầu tui cũng lo khi về đây điều kiện ăn ở, sinh hoạt không như ý. Nhưng chừ phải nói là còn hơn ở nhà. Tui nói “nhẹ nhẹ” ri thôi, nếu cầm 57 ngàn đồng (khẩu phần theo quy định) ra ngoài ăn trong một ngày thì ăn cái chi?”, bà L. T. M. ngồi bên chép miệng.

“Ở đây, buổi sáng thì bánh mỳ ốp la, mỳ sữa, xôi, bánh ướt…, trưa chiều thì tôm, cá, thịt, rau, trứng, đậu… liên tục đổi món, chưa kể bàn chải, kem đánh răng, xà phòng, khăn mặt, ly uống nước mỗi người đều được phát một phần riêng, ai cần thêm cái chi thì nhờ một tiếng là mấy chú bộ đội giúp ngay, không một tiếng nề hà. Tui thiệt không hiểu, răng có người lại chê bai, đòi hỏi quá đáng, trong khi phải nên nhớ, những thứ ở đây là hoàn toàn miễn phí”, bà M. nói tiếp.

Khi câu chuyện ăn, ở được lái sang chuyện cách ly, vừa ăn, ông N. Đ. N. nhanh chóng tiếp lời 2 người bạn cùng phòng: “Tui với vợ là dân Thủy Bằng, qua Lào làm ăn, nhà ở cách Trường Quân sự tỉnh chưa đầy cây số chơ mô. Về tới đây mà chưa được vô nhà, chưa được gặp con cũng khó chịu, bứt rứt lắm. Nhưng nói chi thì nói, mình phải nghiêm túc thực hiện cách ly theo quy định để ngăn ngừa lây lan dịch bệnh ra cộng đồng chứ không được chủ quan”, ông N. dứt khoát.

 

Chừng như nhắc tới nhà, tới người thân, ở phía đối diện, nét mặt bà M. như chùng xuống: “Nhà ở Tây Lộc nhưng tui làm ăn sinh sống ở Lào. Cách đây mấy ngày nghe tin mẹ già bệnh nặng nên bỏ tất cả để về. Đến lúc về, biết bản thân trong diện cách ly tập trung thì rất sốt ruột vì sợ không biết có còn kịp gặp mẹ hay không. Nhưng nghĩ lại, nếu lỡ may mình dính COVID-19, không cách ly để phát hiện, chữa trị mà cứ một hai về nhà khác nào mình gieo rắc bệnh cho gia đình, cho cộng đồng nên tui quyết định thực hiện cách ly trong tâm thế hoàn toàn tự nguyện”.

Sau giờ nghỉ trưa trong tiếng ve râm ran một góc trời, đến đầu giờ chiều, cả khu cách ly chợt xôn xao khi hơn 20 người trong trang phục bảo hộ y tế lần lượt đến từng phòng đo thân nhiệt, phun thuốc sát khuẩn, tiếp đó là kiểm tra dịch tể, lấy mẫu máu từng người đang cách ly tập trung.

Lực lượng y tế kiểm tra dịch tể và lẫy mẫu máu để chuyển Bệnh viện Trung ương Huế xét nghiệm

Cứ ngỡ, động thái có phần “rầm rộ” này ít nhiều đem đến bất an, nhưng không, tất cả 267 người trong khu cách ly đều vui vẻ thực hiện đúng theo hướng dẫn của các nhân viên y tế, mà sau này mới biết, đó là đội phản ứng nhanh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp cùng lực lượng y tế TX. Hương Thủy tiến hành kiểm tra dịch tể, lấy mẫu máu chuyển Bệnh viện Trung ương Huế xét nghiệm để đảm bảo công tác phòng, chống COVID-19 đạt hiệu quả cao.

*    *   

 *

Khi đang viết những dòng này, từ điện thoại, Thiếu tá Nguyễn Tấn Thắng, Phó Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh thông báo giọng hồ hởi: “Kết quả xét nghiệm cho biết, hiện đã có 50 người âm tính với COVID-19. Một, hai ngày tới sẽ có kết quả của những người còn lại. Hy vọng mọi chuyện sẽ an yên”…