Báo cáo về tài trợ cơ sở hạ tầng bền vững ở ASEAN được Viện các vấn đề quốc tế của Singapore (SIIA) công bố chỉ ra rằng, khu vực Đông Nam Á cần sự phối hợp, kỹ năng và tính minh bạch rõ ràng, mạnh mẽ hơn trong việc nâng cao và đảm bảo các dự án bền vững cho nhà đầu tư.
Cần nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng bền vững ở ASEAN. Ảnh minh họa: TTXVN/Vietnam+
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ngân sách nhà nước hạn chế ở nhiều quốc gia đã và đang làm tăng tính cấp bách, cần các tổ chức tài chính tư nhân triển khai hành động nhằm hướng nguồn tài chính xanh và bền vững hơn vào các dự án cơ sở hạ tầng, đặc biệt là những dự án cơ sở hạ tầng của lĩnh vực năng lượng và giao thông.
Theo đó, báo cáo được hỗ trợ thực hiện bởi HSBC và nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp lớn nhất thế giới KPMG tại Singapore đã xác định một số khuyến nghị về cách làm việc cho nhiều bên liên quan, qua đó mở thêm dòng vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững ở khu vực.
Cụ thể, chính phủ Singapore có thể đi đầu ở ASEAN để thiết lập một nền tảng bao gồm hệ thống các dự án điện và giao thông sẵn sàng mời gọi đầu tư, cũng như tiết lộ kết quả của các đánh giá tác động đến xã hội và môi trường (E&S) của từng dự án.
Ngoài ra, chính phủ các nước ASEAN có thể triệu tập một Hội nghị thượng đỉnh về cơ sở hạ tầng để nhấn mạnh Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN 2025 (MPAC 2025) như một kế hoạch chi tiết cho các dự án cơ sở hạ tầng ở ASEAN, cùng lúc phát triển các sáng kiến đưa ra bởi mỗi quốc gia thành viên ASEAN và theo dõi các luồng tài chính bền vững cho các dự án điện và giao thông trong khu vực.
Chính phủ ASEAN cùng với các tổ chức đa phương và doanh nghiệp trong ngành có thể đào tạo và trang bị cho người lao động những kỹ năng và kiến thức bền vững trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và giao thông bền vững để đáp ứng mục tiêu lao động đặt ra...
Về phía các tổ chức tài chính quan tâm đến các lĩnh vực năng lượng và giao thông của ASEAN, giới chuyên gia nhận định họ nên trao đổi về các chính sách bền vững với những rủi ro E&S đã được liệt kê, cũng như trình bày các hướng dẫn chung về cách xử lý những thách thức cụ thể theo từng trường hợp để có phương án thích hợp khi triển khai dự án ở khu vực ASEAN.
Hạnh Nhi
(Lược dịch từ Business Times & ThaiPR.Net)