![](https://file.baothuathienhue.vn/data2/image/fckeditor/upload/2020/20200422/images/vna_potal_my_tro_thanh_diem_nong_thu_3_ve_dich_covid-19_voi_them_132_ca_tu_vong_stand.jpg)
Đường phố ở Los Angeles, thành phố lớn nhất tiểu bang California, Mỹ trở nên vắng vẻ trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Ảnh minh hoạ: THX/TTXVN
Mất việc làm và mất giờ làm và tiền lương dự kiến sẽ khiến những người di cư ở các quốc gia giàu có hơn không thể gửi nhiều tiền về nhà ở các quốc gia nghèo hơn, nơi vốn phải đối mặt với tình trạng ngừng hoạt động do dịch bệnh COVID-19, theo một báo cáo của WB.
Dòng kiều hối đến các quốc gia nghèo hơn ở khu vực châu Âu và Trung Á được dự báo sẽ giảm 27,5%, tiếp theo là khu vực châu Phi cận Sahara với 23,1%, khu vực Nam Á ở mức 22,1%, Trung Đông và Bắc Phi ở mức 19,6%, Mỹ Latinh và Caribbean với 19,3%, Đông Á và Thái Bình Dương ở mức 13%.
Sự sụt giảm hiện đang giáng một đòn nặng nề lên các gia đình và toàn bộ nền kinh tế trong một thế giới đang phát triển. Từ Nam Á đến Mỹ Latinh, người thân của những người lao động gửi tiền về từ các quốc gia giàu có hơn đã báo cáo khó khăn để đáp ứng những nhu cầu cơ bản hàng ngày, sau khi cắt giảm kiều hối.
Hồi năm ngoái, kiều hối đã trở thành một nguồn tài chính lớn hơn đối với các quốc gia nghèo hơn, so với đầu tư trực tiếp nước ngoài, lượng kiều hối đã đạt mức kỷ lục 554 tỷ USD vào năm 2019.
Trong khi đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các quốc gia đang phát triển được dự báo sẽ giảm 35% trong năm nay, Ngân hàng Thế giới cho biết thêm.
Tại thị trấn Joyabaj của Guatemala, một nửa trong số 100.000 cư dân đang sống phụ thuộc vào kiều hối, hầu hết tất cả từ Hoa Kỳ. Rosa López, 18 tuổi, rời văn phòng chuyển tiền trong tháng này cùng cậu con trai 2 tuổi và 100 USD được gửi từ người chị gái, hiện đang làm việc tại một công ty sản xuất bơ sữa ở tiểu bang Texas, Mỹ.
Công ty này đã cắt giảm một nửa số giờ làm việc, buộc người này phải cắt giảm số tiền mà cô gửi về nhà. Số tiền được chuyển đến vào tuần trước sẽ cho phép Rosa López và 7 người thân khác mua gạo, đậu và những thứ cơ bản khác, nhưng họ có thể sẽ phải ngừng thanh toán các hóa đơn điện và nước.
“Chúng tôi cần tìm ra cách để không chết vì đói. Chị ấy là người duy nhất đang giúp đỡ cả gia đình”, cô Rosa López chia sẻ.
Ngân hàng Thế giới đã khuyến nghị các Chính phủ và doanh nghiệp làm việc để bảo vệ người nhập cư khỏi các tác động kinh tế và y tế từ đại dịch. Tổ chức này cho rằng, những người lao động nhập cư thường bị loại khỏi các chương trình nhằm giảm bớt sự ảnh hưởng của đại dịch. Và Ngân hàng Thế giới cũng khuyến khích các quốc gia và các công ty giảm chi phí gửi tiền về nhà, mức phí có thể lên tới 20% ở khu vực đắt đỏ nhất đối với kiều hối, là Nam Phi.
Tính đến 5h32 phút sáng nay (23/4) theo giờ Việt Nam, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới là 2.633.064 trường hợp, trong đó có 183.883 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm bệnh đã được phục hồi là 717.284 trường hợp. Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng tới 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, theo số liệu vừa được cập nhật trên trang Worldometers.
|
Lê Thảo (Lược dịch từ Devdiscourse)