Trồng chanh không hạt cho anh Quang thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng mỗi năm

Sau 25 năm làm nghề lái xe, năm 2016, tận dụng 2 ha đất bạch sa nghèo dinh dưỡng của cha mẹ cùng gần 2 tỷ đồng tích lũy được, anh Quang quyết định chuyển sang làm nông trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.

Khi chúng tôi đến, anh Quang đang ngồi trên một chiếc xuồng nhỏ giữa hồ cho vịt ăn. Trong lúc chờ đợi, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh An Hoàng Đình Xuân Thịnh giới thiệu, anh Quang có 3 hồ cá, tổng diện tích khoảng 2.500m2, kết hợp nuôi cá dưới nước, vịt và le le trên mặt nước; lãi ròng từ các loài vật nuôi khoảng 100 triệu đồng/năm.

Các khu vực chăn nuôi được xây dựng tách biệt để đề phòng lây lan dịch bệnh. Ngoài cá, hai chuồng lợn với diện tích khoảng 400m2 được xây kiên cố, bảo đảm độ mát về mùa hè và đủ ấm vào mùa đông. Mỗi năm, anh Quang xuất chuồng 4 lứa lợn thương phẩm với 150 con/lứa; 30 lợn nái mỗi năm cung cấp khoảng 600 lợn con, lãi ròng trên dưới 200 triệu đồng/năm; riêng năm 2019, lãi gấp đôi vì không “dính” dịch tả lợn châu Phi.

Để có nguồn thức ăn đảm bảo thịt có chất lượng, an toàn và giảm chi phí so với thức ăn công nghiệp, anh ra tận Bắc Giang mua máy xay đa năng và vào Gia Lai mua các loại cám ngô, gạo về trộn với các loại rau khoai, môn, lục bình tự chế biến.

Đàn gà 2.000 con anh nuôi theo phương thức đệm lót sinh học thu lãi 100 triệu đồng/năm. Gà và lợn còn cho nguồn nguyên liệu làm phân hữu cơ, biến đất bạch sa thành nguồn giàu dinh dưỡng phục vụ trồng rau sạch, trồng rau trái vụ cho thu nhập cao.

Chị Nguyễn Thị Điệp, vợ anh Quang, cho biết: “Vườn nhà luôn có khoảng 10 loại rau, quả các loại, bình quân bán được từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng/ngày, tùy thời điểm”.

Quy trình chế biến thức ăn gia súc, gia cầm; phương pháp tự ủ phân hữu cơ; thuốc trừ sâu…giúp tiết kiệm tiền đầu tư, hạn chế xả thải ra môi trường trong đề án xây dựng mô hình VAC tổng hợp đầu tiên của anh được chính quyền địa phương đánh giá cao, luôn tạo điều kiện để phát triển.

Tham gia đầy đủ các lớp sơ cấp về trồng trọt và chăn nuôi do UBND huyện tổ chức hàng năm là một trong những yếu tố giúp anh Quang gặt hái được nhiều thành công. Nhờ thực hiện đúng hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp nên mô hình của anh ít gặp rủi ro.

Năm 2016, anh được dự án Mô hình Khuyến nông của huyện cung cấp 200 cây giống và hỗ trợ 15 triệu đồng trồng chanh không hạt. Chương trình trồng rau bãi ngang, anh cũng được hỗ trợ 10 triệu đồng... Từ  hỗ trợ về pháp lý của chính quyền địa phương và được Quỹ Đầu tư và phát triển tỉnh hỗ trợ 1 tỷ đồng, sắp tới, gia đình anh Quang sẽ khai trương siêu thị mi ni Tứ Quý hoạt động theo mô hình từ nhà đến siêu thị.

"Trước mắt, chúng tôi tiêu thụ sản phẩm do gia đình sản xuất; nếu thành công sẽ phối hợp với HTX Vinh An để nhân rộng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ trên địa bàn", anh Quang khẳng định.

Anh Quang cũng đang hoàn tất thủ tục thuê 1 ha đất với giá ưu đãi do xã khuyến khích nông dân phát triển nông nghiệp để trồng dưa lưới và rau hữu cơ trong nhà kính. Kinh phí đầu tư dự kiến 2 tỷ đồng, anh Quang tự tin sẽ thu hồi vốn sau 2 năm.

Lao động chính hiện nay chỉ có vợ chồng anh và bốn người con trai. Bất cứ lao động nào trên địa bàn có thời gian nhàn rỗi nếu có nguyện vọng làm thêm đều được anh sắp xếp bố trí; thanh niên thì làm đất, phụ nữ thì thu hoạch rau quả với mức thu nhập từ 150-250 ngàn đồng/ngày/người.

Phó Chủ tịch UBND xã Vinh An, khẳng định: “Sau gần bốn năm làm nông nghiệp, anh Quang luôn là gương điển hình của địa phương và được nhận nhiều giấy khen, bằng khen, giấy chứng nhận của các cấp về các phong trào sản xuất kinh doanh giỏi. Quan trọng hơn, thành công của anh Quang giúp bà con có cái nhìn khác về vùng đất bạch sa; nhiều bạn trẻ đã bỏ ý định rời quê hương đi làm ăn xa”.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN