Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ đề xuất với Quốc hội (kỳ họp tháng 5/2020) dự kiến áp dụng thuế suất thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ giảm từ 20% xuống còn 15 - 17% kể từ ngày 1/7.
Công nhân sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty CP may và Dịch vụ Hưng Long (huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên)
Đề xuất còn dự kiến miễn thuế TNDN trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh.
“Nếu chính sách này được thông qua sẽ tác động tới 700.000 doanh nghiệp, chiếm khoảng 93% tổng số doanh nghiệp cả nước đang hoạt động được hưởng lợi. Qua đó, giảm nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2020 của số doanh nghiệp này khoảng 7,8 nghìn tỷ đồng”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết.
Để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19, Bộ Tài chính đang sửa Thông tư về lệ phí môn bài. Dự kiến quý II/2020, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chuyển từ hộ kinh doanh sẽ được miễn lệ phí môn bài, thời gian miễn lệ phí 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Dự kiến tăng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên mức 11 triệu đồng/tháng; đồng thời cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên mức 4,4 triệu đồng/tháng.
“Chính sách này nếu được thông qua sẽ có khoảng 6,8 triệu người được hưởng lợi, trong đó khoảng 1 triệu đối tượng sẽ không phát sinh thuế TNCN phải nộp năm 2020. Tổng số thu nhập người lao động được giữ lại để tăng thêm cho chi tiêu thêm nhờ việc điều chỉnh này năm nay khoảng 10,3 nghìn tỷ đồng”, lãnh đạo Bộ Tài chính nói.
Đã dành 16,2 nghìn tỷ đồng để phòng, chống dịch
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Bộ Tài chính đã cùng với các ngành báo cáo với Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành nguồn lực thích đáng để phòng chống dịch COVID-19.
Cụ thể đã dành 16,2 nghìn tỷ đồng để phòng, chống dịch. Trong đó có khoảng 9,5 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để mua sắm trang thiết bị y tế. Dự kiến trong thời gian tới, chi cho phòng, chống dịch tiếp tục tăng thêm để tăng cường khả năng ứng phó chi cho đại dịch này. Thời gian qua, đã dành 6,7 nghìn tỷ đồng chi cho chế độ ưu tiên phụ cấp cho các lực lượng tham gia phòng chống dịch COVID-19. Trong đó có tiền ăn cho người cách ly, chi khám chữa bệnh nền trong thời gian bị cách ly...
|
Theo TTXVN