Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo xử lý nghiêm sai phạm xây dựng công trình cạnh Đập Đá
Không có chuyện “phạt cho tồn tại”
Dư luận cho rằng, dự án xây dựng tại khu vực cồn nổi cạnh Đập Đá sai phạm nhiều lần và lần nào UBND tỉnh và các sở ngành liên quan chỉ nhắc nhở, phạt xong và cho làm tiếp. Dư luận cho rằng, chủ đầu tư "có sự bảo kê" và "phạt tồn tại". Người dân cho rằng chủ đầu tư coi thường dư luận; dự án như làm xấu cảnh quan sông Hương. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo xử lý dứt điểm không để một dự án nhiều sai phạm, ở ngay địa điểm đẹp của thành phố kéo dài nhiều năm liền.
Theo Văn phòng UBND tỉnh, sau khi có Kết luận thanh tra của Sở Xây dựng, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND TP. Huế tiếp tục theo dõi, kiểm tra và xử lý các sai phạm về trật tự xây dựng đã được kết luận theo đúng thẩm quyền; Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra tình hình thực hiện dự án theo Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho chủ đầu tư, xử lý vi phạm về tiến độ thực hiện dự án theo quy định.
Về xử lý các sai phạm về trật tự xây dựng, hiện nay các hành vi phạm đã được UBND TP. Huế lập biên bản và có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, dừng thi công xây dựng công trình và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, bao gồm cả việc tiến hành thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giấy phép xây dựng theo đúng quy định.
Lãnh đạo UBND tỉnh khẳng định, việc điều chỉnh Giấy phép xây dựng không có nghĩa là chấp thuận sai phạm, “phạt cho tồn tại”; kết luận thanh tra của Sở Xây dựng được UBND tỉnh thống nhất đã nêu rõ, về hạng mục tầng hầm, chủ đầu tư phải tổ chức kiểm định chất lượng công trình, bổ sung hạng mục tầng hầm vào hồ sơ thiết kế công trình chính; về hạng mục bờ kè, chủ đầu tư có trách nhiệm tháo dỡ phần bờ kè lấn chiếm không gian mặt nước trả về hiện trạng cũ, không mở rộng diện tích khu bãi bồi, lấn chiếm diện tích sông và xử lý đảm bảo mỹ quan và tiêu chí xanh của tỉnh.
Sớm sửa chữa cầu treo Bình Thành
Cầu treo Bình Thành (cầu dây võng) được xây dựng hoàn thành ngày 20/12/2000 và bàn giao đưa vào sử dụng ngày 20/6/2001 với khẩu độ 140m; khổ cầu 4,0m; tải trọng thiết kế 13 tấn đến 18 tấn qua cầu từng chiếc một, đoàn người đi bộ 300kg/m2; đơn vị quản lý là Công ty CP Quản lý đường bộ I Thừa Thiên Huế (thuộc Sở Giao thông vận tải). Qua thời gian sử dụng đến thời điểm hiện tại cầu treo qua xã Bình Thành đã bị xuống cấp. Sở Giao thông vận tải hiện đang tổ chức phê duyệt kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ cầu treo Bình Thành và sẽ chỉ đạo Công ty CP quản lý đường bộ I triển khai bảo dưỡng định kỳ và hoàn thành trong tháng 6/2020.
|
Cấp thêm mỏ đất san lấp các dự án trọng điểm
Tỉnh chỉ đạo tăng cường khảo sát, cấp thêm mỏ đất san lấp phục vụ các công trình trọng điểm
Hiện nay, tại địa bàn tỉnh triển khai nhiều dự án hạ tầng trọng điểm cần một lượng rất lớn vật liệu san lấp nhưng thực tế các mỏ khoáng sản (đất san lấp) do UBND tỉnh cấp phép lại có khối lượng nhỏ hơn nhu cầu thực tế của các dự án nêu trên. Vậy UBND tỉnh sẽ có phương án điều chỉnh như thế nào để bảo đảm nguồn đất san lấp cho các dự án nêu trên, vừa đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ thực hiện.
Để giải quyết nhu cầu đất đắp cho các dự án, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương giải quyết, đảm bảo nguồn cung khối lượng đất đắp theo tiến độ thực hiện các dự án.
Theo đó, thống nhất chủ trương cho nâng công suất, khai thác tối đa khối lượng tại các mỏ đáp ứng các điều kiện, thủ tục quy định; đảm bảo nhu cầu, khối lượng đất đắp (bao gồm cả đất san lấp và đất đắp nền đường) phục vụ cho các dự án trọng điểm trong năm 2020. Đề nghị doanh nghiệp đã được UBND tỉnh được cấp phép thăm dò, khai thác khẩn trương có văn bản đề xuất phương án mở rộng, nâng công suất, khối lượng khai thác phù hợp với nhu cầu thực tế, gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường.
UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát, tổng hợp nhu cầu, có văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các chủ trương nêu trên theo đúng trình tự, thủ tục quy định.
Bài, ảnh: Thái Bình