EVFTA mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam và EU. Ảnh minh hoạ: VOV

Thỏa thuận này chứng tỏ EU nhìn thấy các cơ hội thương mại đang gia tăng ở Đông Nam Á và EVFTA có tiềm năng đưa EU và ASEAN tiến gần hơn đến các cuộc đàm phán thương mại giữa 2 khu vực.

EVFTA là Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thứ hai giữa EU và một quốc gia Đông Nam Á, sau hiệp định của khối này với Singapore. Là một khu vực, Đông Nam Á là đối tác thương mại quốc tế lớn thứ ba của EU, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc.

Ý nghĩa đối với nền kinh tế Việt Nam

Hiện tại, Việt Nam được hưởng các ưu đãi thương mại với EU theo Chương trình ưu đãi thuế quan tổng quát. EU là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam, với tổng đầu tư của EU tại Việt Nam chiếm 50,1% trong tổng số các dự án FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) và 50,6% vốn cam kết.

Trong những năm tới, với việc tiếp cận thị trường được cải thiện và các giải pháp thương mại tốt hơn do EVFTA mang lại sẽ là lợi thế để thu hút ​​các nhà đầu tư EU bơm thêm vốn vào Việt Nam.

Theo EVFTA, các nhà xuất khẩu Việt Nam cũng sẽ có quyền tiếp cận thị trường 18 nghìn tỷ USD của EU. Ước tính, lượng xuất khẩu của Việt nam sang EU sẽ tăng thêm 42,7% trong 5 năm tới, khi việc cắt giảm thuế sẽ được thực hiện dần dần từ nay đến năm 2035.

Ngân hàng Thế giới (WB) gần đây cho rằng, EVFTA có khả năng làm tăng 2,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam và tổng xuất khẩu của nước này sẽ tăng 12% vào năm 2030. Thỏa thuận này dự kiến cũng ​​sẽ giúp hàng trăm nghìn người thoát khỏi đói nghèo. Theo WB, đó là những lợi ích này đặc biệt cần thiết trong bối hậu đại dịch COVID-19, sau những tác động tiêu cực mà nó gây ra.

Vai trò quan trọng trong chính sách Đông Nam Á của EU

EVFTA được coi là minh chứng rõ ràng răng châu Âu vẫn đang tiếp tục nhìn thấy nhiều triển vọng kinh doanh quan trọng ở Đông Nam Á. Tính đến cuối năm 2017, EU đã đầu tư tích lũy 374 tỷ USD FDI vào ASEAN.

EU cũng bày tỏ mong muốn theo đuổi FTA với ASEAN nói chung, mặc dù các nỗ lực vẫn chưa có nhiều tiến triển. Được biết, các cuộc đàm phán bắt đầu vào năm 2007 nhưng đã kết thúc vào năm 2009 khi các quốc gia riêng lẻ ở Đông Nam Á bắt đầu thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại song phương với EU.

EU hiện đang nỗ lực để đạt các thỏa thuận thương mại với các nước chính trong ASEAN. EU đang tiến hành các cuộc đàm phán riêng với Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan nhưng vẫn còn nhiều rào cản để có thể đạt được một thỏa thuận thương mại tương tự như với Việt Nam, trừ khi các nước này tuân thủ các chính sách thương mại của EU.

Đáng lưu ý, các hiệp định thương mại của EU với Việt Nam và Singapore được cho là có thể gây tổn hại cho các nước ASEAN khác nếu EU tăng đầu tư vào Singapore và Việt Nam bằng chi phí của các quốc gia khác trong khu vực. Theo ASEAN Today, EVFTA sẽ có tác động sâu rộng đến ngành công nghiệp ô tô Thái Lan. Xuất khẩu ô tô Thái Lan có khả năng giảm do các thỏa thuận thương mại và đầu tư của Việt Nam với EU.

Tuy nhiên, EU coi các hiệp định thương mại và đầu tư song phương này là “những viên gạch” để hướng tới thỏa thuận giữa 2 khu vực trong tương lai. EU đã và đang sử dụng ảnh hưởng kinh tế hiện có với các nước ASEAN riêng lẻ để thúc đẩy sự thay đổi các chính sách thương mại của các nước trong khối. 

Ông Ousmane Dione, Cựu Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam nhận định rằng, nếu Việt Nam có thể hành động một cách quyết đoán để thu hẹp khoảng cách về năng lực thực thi và pháp lý, thì Việt Nam có thể tận dụng EVFTA như một thỏa thuận thương mại có lợi ích trực tiếp được ước tính là lớn nhất trong lịch sử.

Ngoài ra, về lâu dài, việc thực hiện các cải cách trong nước để giải quyết các vấn đề như lao động, môi trường… sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam và nâng cao hình ảnh của Việt Nam ở nước ngoài.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ ASEAN Today)