Trong bối cảnh các chuỗi cung ứng đang chuyển đổi khắp khu vực Đông Nam Á và đại dịch COVID-19 tác động đến chiến lược tăng trưởng của khu vực về phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn và tăng trưởng sản xuất dựa vào xuất khẩu với sự hỗ trợ của FDI, Ngân hàng HSBC đưa ra một loạt khuyến nghị trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh thường niên của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN, dự kiến diễn ra trong ngày 29/8.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ đối mặt với nhiều tác động từ đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa: TTXVN
Giám đốc Ngân hàng Thương mại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của HSBC, ông Stuart Tait cho biết: “Việc giảm thiểu tác động của COVID-19 đối với các chuỗi cung ứng, nhất là đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn, trở thành vấn đề hàng đầu đối với các nhà hoạch định chính sách ASEAN. Với tầm quan trọng về thương mại và việc làm, chúng tôi đã chứng kiến tất cả các quốc gia Đông Nam Á đưa ra biện pháp tài chính để hỗ trợ họ trong thời điểm này”.
Tuy nhiên, khi các biện pháp tài chính bắt đầu giảm dần và những “cơn gió ngược” kinh tế vẫn tiếp diễn, một số biện pháp thực tế cần được áp dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là dựa trên mức độ phụ thuộc vào thương mại và tập trung quốc tế của hầu hết các doanh nghiệp trong khu vực, ông Stuart Tait nói thêm.
Một số khuyến nghị được nêu ra. Đầu tiên là việc cải thiện khả năng tiếp cận tài trợ thương mại của doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Trong đó, có cơ hội để chuẩn hóa các quy định, chính sách và quy trình tài trợ thương mại trong toàn khu vực để giảm sự phức tạp, chi phí và quản lý đối với các doanh nghiệp nhỏ hơn hoạt động xuyên biên giới và đảm bảo vốn lưu động có thể được tiếp cận nhiều hơn. Thứ hai là tạo điều kiện cho các cải cách thu hút đầu tư nước ngoài. Mỗi quốc gia có thể thực hiện một cách tiếp cận riêng để cải thiện việc huy động lao động và năng suất. Các Chính phủ cũng cần tiếp tục dỡ bỏ rào cản phi thuế quan để tăng cường đầu tư. Thứ ba, các chính sách nhanh chóng giúp hỗ trợ số hóa thương mại. Nhà hoạch định chính sách có thể hỗ trợ DNVVN trong việc chuyển hướng sang các kênh trực tuyến và mô hình kinh doanh tập trung vào dịch vụ.
Thứ tư là thúc đẩy việc áp dụng tính bền vững. Với việc người mua đa quốc gia bắt đầu hướng tới các khuôn khổ về môi trường, xã hội và quản trị trên chuỗi cung ứng, các Chính phủ có thể giúp DNVVN thực hiện việc chuyển đổi. Cuối cùng là việc phê chuẩn các hiệp định thương mại đa bên, như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), có thể khởi động một kỷ nguyên mới của hội nhập thương mại và đầu tư, tạo sự chắc chắn cho DNVVN và những doanh nghiệp phụ thuộc vào thương mại khác.
LÊ THẢO
(Lược dịch từ Business Times)