Một khi tình hình dịch bệnh ở các nước không được kiểm soát, khả năng phục hồi của từng quốc gia sẽ còn yếu. Ảnh minh họa: Reuters/Báo Thanh Niên
Theo thông tin được trang CNA đăng tải, ngay cả khi khu vực đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trở lại thì sự cải thiện này cũng chỉ che đi vết sẹo về kinh tế xã hội mà đại dịch đã gây nên. Đơn cử, dự báo mới nhất đưa ra bởi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, thu nhập bình quân đầu người ở các nền kinh tế ASEAN-5 (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) sẽ vẫn thấp hơn 6% vào năm 2024 so với dự báo đưa ra trước khi đại dịch xảy ra.
Đối với Philippines, quốc gia có triển vọng tăng trưởng thấp nhất, “vết sẹo” dự kiến sẽ sâu hơn gấp đôi, với thu nhập bình quân đầu người thấp hơn 12% so với dự kiến trước đây. Tiến bộ trong việc giải quyết đói nghèo, việc làm bấp bênh và phát triển con người cũng vì vậy mà bị cản trở.
Điều quan trọng là các nền kinh tế càng suy thoái lâu thì những ảnh hưởng này sẽ ngày càng có khả năng trở nên trầm trọng hơn.
Mặc dù triển vọng tăng trưởng của Đông Nam Á vẫn bị bủa vây bởi sự không chắc chắn, nhưng vẫn có 3 yếu tố chính đã đóng vai trò quan trọng trong việc định hình kinh nghiệm của khu vực về khủng hoảng và sẽ là then chốt cho tương lai Đông Nam Á sau này.
Khả năng kiểm soát tình hình đại dịch
Đầu tiên, phải kể đến sự tập trung vào việc kiểm soát đại dịch để hạn chế thiệt hại về kinh tế. Những kinh nghiệm tương phản của Việt Nam, Indonesia và Phlippines là hình ảnh thu nhỏ của câu chuyện Đông Nam Á.
Việt Nam được xem là một ví dụ điển hình. Ví dụ, Việt Nam là một trong số những quốc gia hiếm hoi trên thế giới đạt được mức tăng trưởng kinh tế tích cực vào năm 2020 nhờ phản ứng nhanh chóng và thành công trong phản ứng y tế cộng đồng. Điều này cho phép Việt Nam nhanh chóng mở cửa trở lại nền kinh tế và bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ.
Trong khi đó, Indonesia lại khá miễn cưỡng khi triển khai các hành động, biện pháp hạn chế mà có thể làm suy yếu nền kinh tế nước này trong thời gian ngắn hạn để chống dịch, thay vào đó là chỉ áp dụng hạn chế về giãn cách xã hội một cách muộn màng. Tuy cuộc suy thoái mà Indonesia phải trải qua không quá nghiêm trọng như các nước khác, nhưng vì do nước này không thể ngăn chặn được đại dịch, sự phục hồi kinh tế của Indonesia diễn ra sau đó khá yếu.
Philippines, tuy vừa áp dụng các biện pháp phong tỏa khắt khe, nhưng cũng vừa rất khó khăn và không thành công trong tiến trình kiểm soát đại dịch COVID-19.
So với mức tiền COVID-19, nền kinh tế Philippines đã chứng kiến mức giảm tăng trưởng đến 14% trong Quý II/2020 và vẫn giảm tăng trưởng 9% vào cuối năm, biến nước này trở thành một trong những nền kinh tế có hoạt động kém nhất trên toàn cầu.
Vai trò và lợi ích của thương mại quốc tế
Yếu tố thứ hai giúp định hình cuộc khủng hoảng ở Đông Nam Á là vai trò của thương mại quốc tế. Thương mại toàn cầu đã tăng trưởng tốt một cách đáng ngạc nhiên và điều này đặc biệt có lợi cho Đông Nam Á với tư cách là một khu vực tập trung nhiều vào thương mại.
Mặc dù thương mại dẫn đến sự suy thoái toàn cầu, nhưng cũng chính nó dẫn đầu quá trình phục hồi – đặc biệt là khi các đợt phong tỏa công khai trên khắp thế giới được nới lỏng và khi các chính phủ phương Tây tung ra những gói chính sách khổng lồ.
Nhu cầu về thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE), thiết bị điện tử và các sản phẩm phục vụ quá trình làm việc tại nhà tăng đột biến cũng góp phần hữu ích cho xuất khẩu của Đông Nam Á.
Vào giữa năm 2020, xuất khẩu hàng hóa của khu vực đã giảm gần 1/5, nhưng đến tháng 10 cùng năm, con số đã phục hồi và cao hơn một chút so với mức tiền đại dịch.
Mở rộng chính sách tài khóa
Yếu tố thứ ba cũng đóng một vai trò quan trọng là khả năng đáp ứng của chính sách kinh tế vĩ mô. Nhìn chung, bất chấp nhiều thách thức vẫn đang xảy ra, chính sách tài khóa ở Đông Nam Á vẫn rất mở rộng, đặc biệt nếu so sánh với các cuộc khủng hoảng xuất hiện trong quá khứ. Chính điều này đã góp phần quan trọng trong việc hạn chế suy thoái cả về kinh tế và xã hội gây nên bởi đại dịch.
Như tất cả mọi quốc gia, vẫn có rất nhiều sự không chắc chắn xung quanh tốc độ mà Đông Nam Á có thể phục hồi sau suy thoái. Cần phải nhận định rõ rằng, sự phục hồi ở từng quốc gia sẽ vẫn có yếu và chưa hoàn thiện nếu tình hình dịch bệnh không được kiểm soát.
Về mặt này, triển vọng khu vực hầu như không có nhiều hứa hẹn. Sự lây lan của COVID-19 vẫn còn tiếp tục ở Indonesia, Philippines và Malaysia, cùng với những đợt bùng phát lẻ tẻ ở các nước khác.
Trong khi đó, các biến thể mới của COVID-19 nguy hiểm hơn sẽ là mối đe dọa và tiến trình triển khai vaccine có thể sẽ bị chậm lại. Dương như chỉ có Singapore đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu tiêm chủng rộng rãi trong năm nay.
Đan Lê (Lược dịch từ CNA)