Anh gọi cho tôi khi cây cổ thụ đối diện nhà tôi bị gió làm bật gốc. Tiếng của mẹ gọi vọng từ bếp: “Linh, con đóng tất cả cửa nẻo lại. Không được lên trên lầu, gió to nguy hiểm lắm. “Còn tiếng anh thì thầm thì chen với tiếng những giọt mưa rơi: “Linh, anh đang ở Hà Nội nè. Mưa kinh khủng. Sao mỗi lần anh gặp em lại trời mưa, em nhỉ? Ngày mai mình gặp nhau em nhé”.  Tôi trả lời: “Anh ơi, bão đang đổ về phố đó. Anh cẩn thận”.

Xa lắc của mấy năm về trước, tôi cũng gặp anh trong một cơn mưa. Nhưng đó là cơn mưa khác, cơn mưa của lúa đang trĩu hạt, của cỏ cây đang xanh và của những con đường đất lầy lội.

Hôm đó, trường chúng tôi tổ chức một tuần đi thực tế. Nhóm của chúng tôi do chị Lam làm trưởng nhóm, nói theo kiểu của các chàng trai trong lớp thì đó toàn là những cô gái xinh đẹp đi thi đứng lớp. Chúng tôi về một thôn nghèo. Ở nơi đó không phải chỉ dạy học để chuẩn bị cho ngày ra trường, mà còn phải làm công ích như đi làm cỏ ruộng, cắt tóc cho tụi trẻ, lăn vào bếp nấu ăn. Đi thực tế cũng giống như đi picnic cuối tuần, nói chung là rất vui vì được tự do lang thang, tự do làm chương trình ca múa nhạc tự biên tự diễn. Những chương trình như thế như tạo ra sự nhộn nhịp cho làng quê nghèo vốn quanh năm chẳng hề có một chương trình biểu diễn ca nhạc nào.

Tôi rất mê ép hoa. Mỗi khi đi đến nơi nào là tôi bắt đầu len lỏi vào những cánh rừng, vào các cánh đồng để tìm các loài hoa lạ, nhất là các loài hoa dại để làm phong phú bộ sưu tập của tôi. Cách giữ hoa tôi học từ sách vở là xông lưu huỳnh cho hoa ngã màu trắng, ép vào giấy thấm để lâu hoa sẽ trở lại màu tự nhiên.

Tôi gặp anh khi tôi đang len vào cánh rừng nhỏ để hái hoa. Cánh rừng gần nơi chúng tôi thực tập đang có rất nhiều những cánh hoa lạ từ những loại cây mà tôi chưa gặp bao giờ. Khi tôi đang mải mê hái hoa thì trời bỗng đổ cơn mưa, một cơn mưa chẳng hề có dấu hiệu báo trước như trời sấm chớp hay mây mù kéo tới. Mưa rất nhanh, thế là tôi cắm cúi chạy để thoát ra khỏi cánh rừng, cố tìm một chỗ nào đó để trú mưa.

Tấm bạt nhỏ che ngoài bìa rừng trở thành nơi trú ẩn cho cơn mưa ấy. Khi tôi vội bước vào tấm bạt thì gặp anh. Anh đang lui cui nhóm lửa, có lẽ để chuẩn bị cho buổi ăn trưa. Tôi và anh gặp nhau trong cơn mưa ấy. Chính là trong tấm bạt che cơn mưa như trút bất ngờ đổ xuống của một buổi sáng lạ.

- Chắc chắn là cô ở đoàn sinh viên sư phạm đang thực tập?- Anh hỏi tôi khi nhóm lửa cho bùng cháy, bảo tôi tới hơ bàn tay cho ấm.

- Sao anh lại biết?

- Sao không biết? Anh ở đây trước khi nhóm thực tập tụi em tới. Cả xóm xôn xao bởi toàn những cô gái đẹp xuất hiện.

Tôi thắc mắc tại sao anh lại làm lều bạt ở bìa rừng. Anh chỉ cho tôi cánh đồng bạt ngàn cây chè. Anh giải thích là anh đang nghiên cứu một giống bướm đêm, chúng chỉ xuất hiện trong đêm, đây là loại bướm rất thích ăn lá chè non, anh phải biết quy luật của chúng để nghiên cứu loại thuốc trị bệnh sâu ăn lá chè của vùng chè này.

Mưa tan sau đó. Anh đưa tôi về trên chiếc xe máy mà anh bảo là anh mượn của ông Chủ tịch xã. Chiếc xe máy trông rất bụi bặm, có thể nó đã phải lội qua không biết bao nhiêu ngọn đèo, ngọn núi và đã lâu rồi chẳng hề được rửa cho sạch. Tuy nhiên, cảm giác được anh chở về trong buổi chiều mây chùng buồn, mặt trời đã trốn mất tự bao giờ cùng anh là cảm giác ấm cúng.

Chúng tôi đã hẹn sẽ gặp nhau ở Hà Nội. Lời hẹn ấy như để dành, bởi có bao nhiêu cuộc gặp gỡ trên thế gian này há đã chẳng bị rơi vào quên lãng. Nhưng lời hẹn gặp nhau ấy bây giờ lại có cơn bão đổ về.  Anh bảo: “Anh chỉ ở lại nơi em ở có hai ngày. Mình gặp nhau nhé”. Tôi trả lời: “Vâng”, tôi thầm thì với riêng mình: “Nhất định gặp nhau mà. Em có nói không đâu”.

Mãi tới ba ngày sau tôi mới thoát ra khỏi nhà. Cơn bão đi qua kéo theo cơn lũ khá bất ngờ khiến cho cả xóm của tôi ngập trong biển nước. Nước từ đâu không biết đổ dồn về khiến cho mọi người gần như phải ở trong nhà, muốn đi lại phải kiếm một chiếc thuyền, mà người ở phố có ai lại để trong nhà một chiếc thuyền bao giờ? Tôi nôn nóng gặp anh, tôi lo cho anh lúc đó, trong khi đó mẹ dứt khoát là không cho tôi bước ra khỏi nhà. “Con có biết là nước lũ nó như thế nào không? Con ra ngoài, lỡ gặp chuyện gì thì sao?” Thế là tôi chỉ co ro trên tầng hai nhìn xuống dưới, chính xác hơn là nhìn con đường đã trở thành con sông.

Tôi ra khỏi nhà khi nước đã xấp xỉ ở gót chân, khi đó mọi người có thể đi bộ bình thường. Tôi vội tìm đường tới nơi anh ở. Bởi tôi không thể giải thích được rằng tôi có nhu cầu vô cùng to lớn là phải gặp anh. Tôi phải gặp anh dù bao quanh tôi có biết bao nhiêu người đàn ông, họ luôn dành cho tôi một cảm tình đặc biệt, họ luôn mời tôi vào một quán ăn nào đó đôi khi chỉ để nhìn tôi nói cười. Còn anh, tôi biết quê anh ở tận phương Nam xa lắc, công việc của anh là cứ đi theo những cánh đồng, những nương rẫy, lặng lẽ trong đêm theo dõi những con côn trùng, đúng là một nghề kỳ lạ. Nhưng kỳ lạ hơn là tôi gặp anh trong một cơn mưa rừng, để rồi anh tìm tới tôi khi thành phố có một cơn bão về.

Tôi đã bảo với anh:

- Anh cứ ghé Hà Nội đi, em mời anh ăn món ốc nóng. Món ốc nóng ăn vào mùa đông thì không nơi nào sánh bằng.

Anh cũng đã gật đầu:

- Ừ, anh sẽ đến thăm em vào mùa đông. Em cho anh ăn gì anh chắc món đó cũng đều ngon.

Rồi để bao lần đi đi ngang qua hàng bà bán ốc nóng, trong cái lạnh mùa đông da diết, tôi vẫn nghĩ rằng nếu có anh, hai đứa sẽ ngồi chen trong cái góc bé xíu của hàng ốc, tôi sẽ chỉ anh cả cách húp chén nước ốc còn nóng hổi để làm tan đi cái lạnh ngày đông.

Nhưng điện thoại của anh không có tín hiệu, dù tôi liên tục gọi. Có thể anh đã rời khỏi Hà Nội, anh đang ở nơi nào ngoài vùng phủ sóng? Sao anh không đợi tôi, anh biết rằng tôi sẽ tìm tới mà. Tôi đã bảo với anh rằng chắc chắn tôi sẽ tới.

Cơn bão đã qua phố rồi. Còn anh thì đang nằm trên giường bệnh. Bên cạnh anh là một cuốn sổ bìa cứng, trong đó ép đầy những bông hoa. Anh ép không biết bao nhiêu bông hoa với mục đích đem tặng tôi.

Nhưng anh vẫn còn chìm trong cơn hôn mê. Mọi người kể với tôi rằng trong cơn bão đó, anh đã lao ra đường, mặc kệ bất trắc để cứu người. Rồi anh gặp tai nạn khi một nhánh cây đổ xuống. Mọi người kể: “Trời ơi, mưa như thế, gió như thế, nước chảy cuộn như thế mà cậu ta cứ leo lên những mái nhà, lần lượt đưa người này hết người khác ra khỏi…cậu ta gan dạ thật”.

Tôi ngồi bên anh. Tôi nắm bàn tay nóng của anh. Bàn tay cử động bóp chặt bàn tay tôi. Tôi đợi anh tỉnh dậy. Chắc chắn là anh sẽ tỉnh. Vì anh không thể bỏ tôi trong cuộc đời này, vì anh đã vượt qua bao nhiêu cây số để tìm tôi.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG