Chính sách gia hạn thuế có tác động kép tới doanh nghiệp và nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Dù việc cân đối ngân sách còn gặp nhiều khó khăn, nhưng “vì người dân, vì doanh nghiệp”, Bộ Tài chính đã đề xuất gia hạn thuế, tiền thuê đất cho nhiều đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Dự kiến, tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn theo chính sách giãn, hoãn thời hạn nộp thuế trong các tháng của năm 2021 tại dự thảo Nghị định là 115.000 tỷ đồng.
Theo PGS TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế - Hải quan (Học viện Tài chính), do ảnh hưởng của COVID-19 kéo dài, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, nhất là doanh nghiệp có quy mô nhỏ đã phải thu hẹp hoặc tạm ngừng hoạt động. Tình trạng sụt giảm doanh số và các giao dịch thương mại bị gián đoạn dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn trong cân đối nguồn tài chính để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Chính sách hỗ trợ của Nhà nước thông qua cơ chế giãn, hoãn nộp các khoản thuế phát sinh sẽ giúp các doanh nghiệp, cá nhân có thêm nguồn tài chính vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh, khôi phục sản xuất kinh doanh. Bộ Tài chính đề xuất mở rộng đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN, tiền thuê đất là phù hợp với thực tế”, ông Lê Xuân Trường cho biết.
Theo Bộ Tài chính, trên cơ sở kết quả sản xuất kinh doanh và nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2020 theo ngành; đồng thời, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Bộ đề xuất tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất đối với toàn bộ các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 Do dịch bệnh COVID-19 kéo dài, khiến các doanh nghiệp lao đao, Bộ Tài chính đã bổ sung thêm tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực: Hoạt động xuất bản; điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; hoạt động phát thanh, truyền hình; lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính; hoạt động dịch vụ thông tin.
Ngoài ra, các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (không gia hạn đối với thuế TNDN của dầu thô, condensate, khí thiên nhiên được thu theo hiệp định, hợp đồng); dịch vụ hỗ trợ khai khoáng; sản xuất đồ uống; in, sao chép bản ghi các loại; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị); sản xuất mô tô, xe máy; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị; thoát nước và xử lý nước thải, cũng là đối tượng được hưởng ưu đãi thuế.
Theo dự thảo Nghị định, nguyên tắc lựa chọn đối tượng được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cần phải đảm bảo đối tượng thụ hưởng chính sách phải là những doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề do dịch COVID-19. Ngoài ra, Nghị định cũng phải tạo điều kiện cho công tác quản lý thuế theo đúng chức năng, tránh tăng thủ tục hành chính; đồng thời tránh thất thoát nguồn thu NSNN.
Để bù đắp hụt thu do các chính sách hoãn, giãn thuế hỗ trợ doanh nghiệp, một số chuyên gia tài chính cho rằng: Bộ Tài chính cần phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, triển khai kịp thời hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ thuế.
Theo TTXVN