Với chủ đề “Cam kết tăng trưởng bền vững và bao trùm tiểu vùng Mekong mở rộng”, Hội nghị đã thảo luận các nội dung về tình hình triển khai hợp tác GMS kể từ sau HNTĐ GMS 4 (Myanmar, tháng 12/2011), những thách thức mà tiểu vùng Mekong đang phải đối mặt cũng như phương hướng thúc đẩy hợp tác thời gian tới nhằm phát triển bền vững và bao trùm khu vực Mekong.

Phát biểu thảo luận, lãnh đạo các nước cho rằng GMS đang đứng trước những thách thức lớn như khoảng cách phát triển giữa các quốc gia, mức độ hội nhập quốc tế, vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.

Để giải quyết các thách thức này, các nhà lãnh đạo nhất trí 6 nội dung lớn bao gồm: Thực hiện Khung Đầu tư (RIF) giai đoạn 2014 -2018; Gắn kết hợp tác GMS với chiến lược phát triển quốc gia mỗi nước; Thực hiện Chiến lược và Chương trình hành động về các hành lang kinh tế GMS; Xây dựng Chương trình hoạt động tổng thể về tạo thuận lợi cho giao thông và thương mại; Thúc đẩy sự phát triển của khu vực, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ; và Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực môi trường, đặc biệt trong ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai và bảo vệ và phát triển hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong khu vực.

Các nhà Lãnh đạo GMS cũng đã trao đổi về khả năng hợp tác giữa GMS với các sáng kiến tiểu vùng khác và việc huy động nguồn lực cho các dự án trong Khung Đầu tư khu vực (RIF).

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng trong bối cảnh kinh tế khu vực và thế giới biến động khó lường, GMS cần có cách tiếp cận mới, linh hoạt và toàn diện hơn.

“Triển khai mạnh các dự án kết nối khu vực, trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả phát triển các hành lang kinh tế, thực hiện các Hiệp định song phương và đa phương về tạo thuận lợi cho di chuyển của người và hàng hoá. Tăng cường đối thoại thực chất giữa các nước thành viên để cùng xác định cơ hội hợp tác mới, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm giải pháp cho những khó khăn, thách thức chung và thu hẹp khoảng cách phát triển” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu, đồng thời đề xuất 4 định hướng cho hợp tác GMS trong thời gian tới bao gồm: Đảm bảo sự cân bằng giữa ba yếu tố kinh tế - con người - môi trường trong hợp tác GMS; Cần sự chân thành và thực tâm hợp tác giữa các nước thành viên để tạo dựng tinh thần cộng đồng GMS; Tiến tới hình thành cơ chế hợp tác mở để tranh thủ thế mạnh của các đối tác phát triển và huy động thêm nguồn lực cho các dự án GMS; và Khuyến khích, kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, thế hệ trẻ tham gia tích cực vào hợp tác GMS.

Hướng tới phát triển bền vững và bao trùm của tiểu vùng Mekong, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy hợp tác GMS hài hòa với thiên nhiên, hài hòa với con người, hài hòa giữa các quốc gia trong khu vực. Thủ tướng kêu gọi các nước GMS hợp tác chặt chẽ trong quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn nước sông Mekong. Các đề xuất của Việt Nam đã được Hội nghị đánh giá cao.

Kết thúc phiên thảo luận, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung và công bố các tài liệu sau: Kế hoạch thực hiện Khung Đầu tư khu vực GMS (RIF) giai đoạn 2014-2018; Tài liệu về thành lập Trung tâm Điều phối điện khu vực (RPCC); Tài liệu về thành lập Hiệp hội đường sắt GMS; Báo cáo rà soát Chiến lược giao thông GMS (2006-2015).

Trong Tuyên bố chung 30 điểm, điểm 25 đã nêu rõ: “Chúng tôi đều hiểu rõ khu vực GMS và người dân rất dễ bị tổn thương bởi tác động của biến đổi khí hậu và nguy cơ thiên tai ngày càng tồi tệ hơn, chúng tôi cũng sẽ theo đuổi những nỗ lực chung nhằm xây dựng và thực hiện các giải pháp giảm thiểu rủi ro, tác động của biến đổi khí hậu và thảm họa thiên tai khác và thúc đẩy phát triển bền vững, trong đó có bảo vệ và phát triển hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên”.

Hội nghị cũng nhất trí tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần 6 tại Việt Nam vào năm 2017.

Theo VPCP