Thứ Ba, 09/07/2019 12:56

Chuyện về trọng tài MMA đầu tiên của Huế

Võ thuật tổng hợp (MMA) tại Huế vẫn còn khá mới mẻ. Chính điều này nên khi một HLV bộ môn bắn cung tỉnh là trọng tài tại sự kiện tranh cúp MMA Việt Nam 2021 do Liên đoàn Võ thuật tổng hợp Việt Nam (VMMAF) tổ chức đã dấy lên nhiều ngạc nhiên và thú vị.

Karate-do và góc nhìn thẳngDạy võ bằng tâm

 

Vừa là HLV thể lực bộ môn bắn cung, Ngô Viết Phú còn là VĐV, HLV ở nhiều môn võ khác

1 - Sự kiện tranh cúp MMA Việt Nam 2021 diễn ra ngày 19/12 tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là hoạt động thi đấu võ thuật tổng hợp (MMA) chuyên nghiệp đầu tiên sau khi VMMAF thành lập vào năm 2020, dưới sự quản lý của Tổng cục TDTT (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch).

Lần đầu diễn ra, quy tụ 16 đấu sĩ (trong đó có 2 đấu sĩ đến từ Nga và Ba Lan) là những VĐV nổi tiếng của các bộ môn đối kháng trên cả nước, cúp MMA Việt Nam 2021 nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng võ thuật trong nước và nước ngoài, bởi sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên các VĐV lên sàn thi đấu MMA với tư cách là môn thể thao chính thức được công nhận tại Việt Nam, thi đấu theo Luật MMA Việt Nam do VMMAF ban hành.

Tại sự kiện này, HLV thể lực bộ môn bắn cung tỉnh Ngô Viết Phú là trọng tài người Huế đầu tiên, cùng với 32 trọng tài khác trên cả nước tham gia điều khiển những cuộc thi tài. Để trở thành trọng tài của VMMAF, võ sư sinh năm 1988 cho biết, anh phải trải qua 2 khóa học với tổng học viên là 500 người, do VMMAF tổ chức.

Khác với trọng tài của các môn võ thuật khác, trọng tài MMA phải từng là VĐV hoặc trọng tài của nhiều môn võ, có thời gian tập luyện, thi đấu lâu năm, từ đó mới có thể nắm bắt kịp và đầy đủ, chuẩn xác các tình huống xảy ra trên sàn đấu. 

Ngoài công việc hiện tại ở bộ môn bắn cung tỉnh, bản thân Ngô Viết Phú còn có những trải nghiệm về võ thuật khá dày dặn khi từng 15 năm là VĐV Karate và 5 năm là trọng tài Karate; đai tím Jujitsu (chỉ sau đai đen và đai đà trong hệ thống của môn võ này); HLV kiêm trọng tài Jujitsu, BJJ, No Gi BJJ, MMA, Muay Thái, Kickboxing và Boxing. Và như chia sẻ của Ngô Viết Phú, chính nhờ những tích lũy này đã giúp bản thân rất nhiều ở phần sát hạch các tình huống giả định trên sàn đấu mà khóa học trọng tài đưa ra.

Nhờ đã và đang là VĐV, HLV và trọng tài của nhiều môn võ, nên dù lần đầu tiên bước lên sàn đấu MMA chuyên nghiệp, nhưng Ngô Viết Phú khá tự tin cũng như không hề mắc lỗi trong quá trình điều khiển các trận đấu được phân công, can thiệp kịp thời các tình huống nguy hiểm. “Cái khó của trọng tài MMA là phải nắm thật vững, hiểu thật rõ các đòn thế của nhiều môn võ mà đấu sĩ tổng hợp, đúc rút trong quá trình tập luyện để khi võ sĩ ra đòn mới có thể đánh giá được phạm luật hay không”, Ngô Viết Phú chia sẻ.

2 - MMA là tên viết tắt của Mixed martial arts, còn gọi là võ thuật tổng hợp. Để chính xác mà nói, MMA không phải là một môn võ mà là một thể thức thi đấu võ thuật. Ở đó, thay vì học 2-3 môn võ và tự kết hợp chúng để thi đấu, các VĐV, HLV tổng hợp những đòn thế hiệu quả của các môn võ, như: Karate, Taekwondo, Boxing, Kickboxing, vật, tán thủ, Muay Thái, BJJ, Juhitsu, võ cổ truyền Việt Nam… và tạo nên các bộ giáo án dùng trong thi đấu MMA.

Ngô Viết Phú (ngoài cùng, bên trái) điều khiển một trận đấu tại sự kiện tranh cúp MMA Việt Nam 2021

“MMA không chia ra chiêu thức mà hình thành 4 lối đánh chính: đánh đứng; vật; khóa, siết, tỳ đè và đánh dưới sàn. Lúc mới ra đời, MMA được xem là môn thể thao tàn bạo nhất, bởi nó cho phép các võ sĩ sử dụng nhiều kỹ năng khác nhau (trừ cắn, móc mắt...) và hầu hết mọi bộ phận trên cơ thể để hạ gục đối thủ. Với kỹ năng chiến đấu đa dạng, quyết liệt, MMA rất hấp dẫn người xem, nhưng điều này cũng khiến rất nhiều người đánh giá MMA quá tàn khốc”, Ngô Viết Phú cho biết.

Cũng chính từ việc MMA có nhiều đòn thế quá tàn bạo nên khi du nhập vào Việt Nam, MMA đã được Tổng cục TDTT và các đơn vị liên quan nghiên cứu để loại bỏ những đòn hiểm, có thể khiến đấu sĩ mất mạng hoặc tàn phế. Đó cũng chính là một trong những điều kiện cần và đủ để có thể hình thành nên Liên đoàn Võ thuật tổng hợp Việt Nam (VMMAF) như hiện nay, cùng sự kiện thi đấu tranh cúp MMA Việt Nam 2021 đã nói ở trên.

“Luật MMA Việt Nam cơ bản dựa trên luật MMA chuyên và bán chuyên trên thế giới. Tuy nhiên, để giảm độ tàn khốc, luật MMA Việt Nam cấm các đấu sĩ đá vào đầu, thân thể khi đối phương đã ngã xuống sàn; cấm sử dụng các đòn: Heelhook (đòn xoắn gót chân, gây tổn thương nặng dây chằng); Neck crank (bè cằm, cổ); các đòn bẻ xoắn cột sống và đòn chỏ 12-6 (dùng chỏ đánh từ trên xuống hướng 12h – 6h)”, Ngô Viết Phú thông tin.

MMA đã và đang phát triển khá mạnh ở một số tỉnh, thành trên cả nước, và trong năm 2022, MMA sẽ được phát triển, có giải vô địch quốc gia như những bộ môn thể thao chuyên nghiệp khác. Còn hiện ở Huế, MMA vẫn đang còn mới mẻ nhưng theo Ngô Viết Phú, khả năng sân chơi này lan tỏa rộng là rất khả thi khi Huế là nơi phát triển mạnh về võ cổ truyền, có Trường trung cấp TDTT - nơi có nhiều VĐV các bộ môn Karate, Taekwondo, vật, Judo… Trong quá trình tập luyện, nếu cảm thấy không phù hợp, VĐV nếu hội đủ 3 yếu tố: thể lực, thể hình và sức bền có thể chuyển hướng sang tập luyện MMA.

“Do đây là môn võ hỗn hợp, không có sự rập khuôn, cố định nên VĐV có thể tận dụng tất cả những kỹ năng bản thân có được để áp dụng trong lúc thượng đài. Đó là lý do giúp những người mới bắt đầu có sẵn nền tảng võ học dễ dàng tiếp cận MMA”, Ngô Viết Phú nói.

Bài: HÀN ĐĂNG - Ảnh: NVCC

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đầu năm, cùng hy vọng với Jujitsu
Đầu năm, cùng hy vọng với Jujitsu

Sau thành công tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX - 2022, đội tuyển Jujitsu Thừa Thiên Huế sẽ tham dự Giải vô địch Các CLB Jujitsu 2023 với hy vọng có “vàng”.

Vovinam giấc mơ vàng
Vovinam giấc mơ vàng

Mới đây, trong công văn gửi Sở Văn hóa và Thể thao, Hội Vovinam - Việt Võ Đạo Thừa Thiên Huế đề nghị được quan tâm và hỗ trợ kinh phí để đạt được chỉ tiêu phấn đấu 1 HCV và 1 HCĐ tại Đại hội Thể dục thể thao (TDTT) toàn quốc lần thứ IX năm 2022.

Taekwondo theo đuổi giấc mơ vàng
Taekwondo theo đuổi giấc mơ vàng

1 HCV và 1 HCĐ là mục tiêu của đội tuyển Taekwondo Thừa Thiên Huế tại Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022.

Karate lấy lại niềm tin
Karate lấy lại niềm tin

Karate là một trong bộ môn thể thao của Thừa Thiên Huế tham gia thi đấu tại Đại hội Thể dục Thể thao (TDTT) toàn quốc lần thứ thứ IX - 2022. Không chỉ hướng tới mục tiêu giành huy chương, đây còn là cơ hội hội để Karate Thừa Thiên Huế khẳng định lại vị thế.