Thứ Năm, 13/09/2018 14:00

Tin vào “nội binh”

Mùa giải hạng Nhất 2021, CLB Bóng đá Huế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khi số lượng CLB tham dự nhiều hơn, cũng như xuất hiện nhiều gương mặt đầy tham vọng…

Xông đất đầu nămĐể bóng đá Huế “sang trang”CLB Bóng đá Huế mở màn mùa giải 2021 bằng 2 trận sân khách

Mùa giải 2021, HLV Nguyễn Đức Dũng đặt nhiều niềm tin vào lực lượng “cây nhà lá vườn”

Nhiều thử thách

Cú “sẩy chân” cuối giai đoạn 1 mùa trước khiến CLB Bóng đá Huế không thể lọt vào top 6 như mục tiêu đề ra. Tuy không ảnh hưởng đến việc trụ hạng, nhưng đã tác động dây chuyền về mặt tâm lý đối với các chân sút Cố đô. Minh chứng là chuỗi thành tích bết bát ở giai đoạn 2 và HLV Nguyễn Đức Dũng cũng từng thừa nhận điều này.

Ở mùa giải 2021, với thể thức thi đấu tương tự mùa trước, hẳn nhiên CLB Bóng đá Huế bằng mọi cách tránh đi vào “vết xe đổ” nói trên để đạt được mục tiêu đề ra: nằm trong nhóm A giai đoạn 1, từ đó phấn đấu giành vị trí cao nhất có thể ở giai đoạn 2 cũng như chung cuộc.

Lý thuyết là vậy. Còn thực tế, liệu mọi thứ có như dự tính của CLB Bóng đá Huế?

Giải hạng Nhất năm nay khởi tranh ngày 19/3. Tuy đến phút cuối chỉ còn 13 CLB tham dự (CLB Tây Ninh xin rút vì không đảm đương được kinh phí) nhưng con số này vẫn nhiều hơn mùa trước (mùa giải 2020 có 12 CLB tham dự) và giữ nguyên 6 suất vào nhóm A.

Điều này đồng nghĩa sự quyết liệt, căng thẳng sẽ tăng lên khiến cơ hội của đội chủ sân Tự Do lọt vào nhóm A giai đoạn 1 nhằm bớt áp lực ở giai đoạn 2 trong bối cảnh các đối thủ đều có đầu tư mạnh về nhân sự là điều không dễ. Bởi sau những chuyển động khi kết thúc mùa giải 2020, CLB Bóng đá Huế sẽ phải đối mặt với những cái tên mà tham vọng tỷ lệ thuận với nguồn lực, gồm: Bà Rịa – Vũng Tàu (đương kim á quân), Khánh Hòa, Phố Hiến và nhất là Quảng Nam – đội bóng vừa mới rớt hạng V. League.

Một số gương mặt trẻ đáng chú ý của CLB Bóng đá Huế

Không chỉ vậy, dù không được đánh giá cao nhưng nhờ được “bơm máu” kịp thời, Phù Đổng và Công an Nhân dân hứa hẹn trở thành “kẻ phá bỉnh”, sẵn sàng ngáng chân các ông lớn của giải hạng Nhất nói chung, CLB Bóng đá Huế nói riêng, trong đó, Công an Nhân dân được đánh giá sẽ gây nhiều khó khăn hơn cả khi được tăng cường lực lượng với 11 cầu thủ đến từ Hoàng Anh Gia Lai, đồng thời, sân Pleiku cũng chính là sân nhà của họ mùa giải năm nay.

Cơ hội cho “cây nhà lá vườn”

Tất nhiên, nói vậy không có nghĩa CLB Bóng đá Huế “thúc thủ vô sách” trước những áp lực nói trên. Sau nhiều mùa bóng mà việc thiếu ổn định khiến bao mục tiêu đề ra tuột khỏi tầm tay chỉ trong gang tấc (việc rớt xuống nhóm B mùa giải 2020 là một ví dụ), những người làm bóng đá Huế đã xác định cho mình hướng đi mới, vững chắc hơn, có chiều sâu hơn bằng cách xây dựng lực lượng chủ chốt tại chỗ.

“Năm nay, bên cạnh chiêu mộ một số cầu thủ trẻ từ Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Viettel, Hải Phòng, Công an Nhân dân, CLB Bóng đá Huế đã bổ sung thêm một số vị trí xuất thân từ lò đào tạo trẻ của Bóng đá Huế, như: Huỳnh Thế Hiếu, Ngô Hoàng Quân, Lê Phước Nhật Quang… Việc xây dựng lại lực lượng chủ chốt tại chỗ sẽ giúp đội bóng có tính kế thừa, ổn định hơn, có thể xây dựng được kế hoạch dài hơi hơn”, HLV trưởng CLB Bóng đá Huế - Nguyễn Đức Dũng chia sẻ.

Câu chuyện bổ sung lực lượng “cây nhà lá vườn” thật ra đã được CLB Bóng đá Huế thực hiện từ nhiều năm qua, tuy nhiên, số cầu thủ trẻ được ra sân thi đấu thường xuyên chỉ ở chừng mực nhất định, và đó chính là một trong những nguyên nhân khiến đội chủ sân Tự Do thiếu tính ổn định cần thiết. Cụ thể ở đây là phong độ, bản lĩnh, kinh nghiệm ở những trận đấu quyết định.

“Vẫn biết mượn cầu thủ ở các trung tâm, CLB bạn sẽ có nhiều chân sút tốt hơn, nhưng với nhiều lý do, chúng ta không thể đảm bảo họ sẽ gắn bó lâu dài với đội bóng khiến kế hoạch hàng năm của CLB bị xáo trộn. Và để lấp đầy khoảng trống các cầu thủ ngoại tỉnh để lại, bắt buộc chúng tôi phải làm lại từ đầu. Mùa bóng này, ban huấn luyện quyết định ưu tiên “người nhà” ra sân nhiều hơn, giúp cầu thủ trẻ có nhiều điều kiện cọ xát, tích lũy kinh nghiệm để có thể “chắc suất”, từ đó tiến tới hạn chế bổ sung cầu thủ ngoại tỉnh”, HLV Nguyễn Đức Dũng chia sẻ thêm.

Với lực lượng đa số sinh năm 2000 – 2001, có thể thấy ở mùa giải 2021, CLB Bóng đá Huế hứa hẹn trình làng một tập thể “nội binh” tràn đầy sức trẻ và khát khao thể hiện bản thân. Lợi thế này càng được củng cố khi bên cạnh đó là những Thanh Minh, Văn Trọng, Phi Pha, Tiến Tạo, Trần Thành hay Duy Bảo – những gương mặt dạn dày kinh nghiệm trận mạc, đủ sức dẫn dắt đàn em vượt qua áp lực, đồng thời biến thành động lực để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Bài: HÀN ĐĂNG - Ảnh: KIM PHỤNG

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vẫn “cháy hết mình”
Vẫn “cháy hết mình”

Giải hạng Nhất 2023 do thế chỉ còn lại 11 đội bóng, áp dụng cách tổ chức như V. League, chia thành 2 giai đoạn.

Bóng đá cũng “mạnh vì gạo…”
Bóng đá cũng “mạnh vì gạo…”

Đã có nhiều nghi ngờ về sức mạnh của Bình Định trong mùa giải thứ hai ở V. League, cũng như những bất ngờ của tân binh Công an Hà Nội.

Đặt niềm tin vào U17 Huế
Đặt niềm tin vào U17 Huế

Được đá vòng loại trên sân nhà, U17 Huế không giấu giếm tham vọng kế tục thành tích của đàn anh cách đây một năm - lọt vào chung kết Giải Bóng đá vô địch U17 Quốc gia 2023.

“Cánh én nhỏ” Vi Đình Thượng
“Cánh én nhỏ” Vi Đình Thượng

Tại vòng loại U17 châu Á trên sân vận động Việt Trì (Phú Thọ) tháng 10/2022, hậu vệ cánh trái Vi Đình Thượng của đội tuyển U17 quốc gia là một cái tên nổi bật.

Trận cầu thủ tục  tấm huy chương đồng an ủi
Trận cầu thủ tục & tấm huy chương đồng an ủi

EURO không có trận đấu tranh hạng ba. Nhiều giải đấu quốc tế như AFF cup cũng không vậy, trao huy chương đồng cho cả 2 đội thua ở bán kết. Thế nhưng, với World Cup thì lại khác, họ phải cùng tỷ thí và tấm huy chương đồng chỉ được trao cho kẻ chiến thắng. Luật chơi là thế.