Chủ Nhật, 15/01/2017 10:05

Người nghèo lo xa

Là một phường còn nghèo nhưng Thuận Lộc (TP. Huế) có đến 95% người dân có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và trên 40 lao động tự do mua bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện.

Bảo hiểm y tế toàn dân: “Hiểu rõ để tự nguyện”Đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tếTăng mức hưởng BHYT cho người bệnh từ 1/7/2019

Chị Lê Thị Hồng Hạnh (bên phải) vận động người dân tham gia BHYT

Chị Nguyễn Thị Thuận, ở phường Thuận Lộc (TP. Huế) làm nghề bán bánh mì dạo. Gánh hàng của chị phải năng chạy khắp nơi mới đủ tiền trang trải cho cuộc sống gia đình. Vẫn biết vậy, nhưng chị muốn tham gia BHXH tự nguyện để lo cho cuộc sống sau này. Mỗi tháng, chị tích cóp được 155.000 đồng là có thể yên tâm khi về già có lương hưu và đảm bảo các quyền lợi khác.

Hiện, nhiều lao động trên địa bàn phường Thuận Lộc làm đủ nghề, như xích lô, xe thồ, hay thợ nề… Họ ít khi có đủ tiền để đóng BHXH tự nguyện hàng quý hay cả năm mà đóng theo tháng. Do vậy, nhân viên đại lý thu BHXH phải là người nhiệt tình, trách nhiệm mới đảm nhận đươc công việc này.

Anh Võ Vy, nhân viên đại lý thu BHXH tự nguyện tại phường Tây Lộc, cho hay: “Để phát triển được đối tượng, các đại lý thu rất tích cực, đến từng nhà để tuyên truyền, vận động. Thậm chí nhà nào khó khăn, nhiều chị bỏ tiền ra cho mượn để mọi người cùng tham gia”.

Không chỉ tham gia BHXH tự nguyện để có lương hưu, hầu hết người dân ở phường Thuận Lộc đều biết lo xa khi đa phần họ đều mua thẻ BHYT. Ban đầu, vận động người dân tham gia BHYT không phải dễ. Nhiều người trẻ tuổi cho rằng, đang khỏe mạnh nên không cần mua; số khác đi làm ăn xa cũng không muốn tham gia.

Cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể tại Thuận Lộc đã cùng bàn bạc, tìm các giải pháp tháo gỡ. Thực tế tại phường, mỗi tổ dân phố đều có những cách làm sáng tạo, đạt hiệu quả. Có tổ, các thành viên Ban chỉ đạo đến từng gia đình vận động với phương châm “đi tận ngõ, gõ tận nhà”, lựa chọn đối tượng tuyên truyền, thường là các chủ hộ hoặc người có uy tín trong cộng đồng, gia đình, dòng họ.

Sự sáng tạo còn thể hiện ở việc tổ chức cho các hộ dân tiếp xúc với những cán bộ am hiểu về lĩnh vực BHXH, BHYT... Sau mỗi buổi trao đổi, số hộ đến mua BHYT trên địa bàn tăng rõ rệt. Với các cá nhân đang làm ăn xa, không có mặt ở nhà, thành viên Ban chỉ đạo điện thoại trực tiếp trao đổi, thuyết phục. Nhận thấy sự nghiêm túc, trách nhiệm của cán bộ cơ sở, họ đều hưởng ứng mua BHYT, hoặc BHXH.

Theo các đại lý thu BHXH tại phường Thuận Lộc, các tổ chức và đoàn thể trên địa bàn quản lý chặt chẽ, sâu sát thông tin những cán bộ, hội viên, người dân nào đã tham gia, chưa tham gia hoặc thẻ BHYT sắp hết hạn. Nhờ đó, các đại lý thu kịp thời vận động, giúp người dân tham gia BHYT liên tục, không bị gián đoạn, để được hưởng các quyền lợi của người tham gia BHYT 5 năm trở lên…

Chị Lê Thị Hồng Hạnh, đại lý thu BHYT ở tổ dân phố 3, phường Thuận Lộc kể: “Hàng tháng, chúng tôi có danh sách những người chưa tham gia BHYT nên đến từng nhà để vận động. Người có tiền thì đóng một lần cho các thành viên trong gia đình, khó khăn quá thì chia ra, mỗi tháng mua thẻ BHYT cho từng người. Thậm chí, chúng tôi cho họ mượn tiền để kịp thời nối thẻ”.

Từ nỗ lực của đại lý thu ở địa phương khi tích cực trong việc tuyên truyền người dân tham gia, những chủ trương, chính sách về Luật BHXH đều được cung cấp kịp thời đến bà con, để họ hiếu rằng, tham gia BHXH tự nguyện và mua thẻ BHYT không chỉ là chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm mà còn là “bùa hộ mệnh” khi chẳng may ốm đau, bệnh tật.

Bài, ảnh: An Nhiên

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những điểm mới đáng chú ý trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi
Những điểm mới đáng chú ý trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 gồm 12 Chương, 121 Điều (tăng 3 Chương và 30 Điều so với Luật năm 2009). Với những điểm mới của Luật sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.