Thứ Hai, 04/02/2019 15:47

Nhật ký bác sĩ chi viện nơi tuyến đầu chống dịch

Từ những bỡ ngỡ, lo lắng ban đầu, “đội quân” y bác sĩ Bệnh viện Trường ĐH Y Dược Huế được cử giúp sức TP. Hồ Chí Minh chống dịch đã trở thành lực lượng “thiện chiến” và vinh dự khi được đồng hành, chia lửa với các đồng nghiệp. Thế nên, họ được bà con tin yêu, để lại rất nhiều tình cảm tốt đẹp.

Áp lực tác nghiệp trong đại dịch“Hết dịch ba sẽ về”

Một thành viên của Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh chống dịch đang lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Ảnh: G.Bình

Tham gia chi viện cho TP. Hồ Chí Minh chống dịch, bác sĩ Nguyễn Gia Bình, 29 tuổi, công tác tại Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế đã kể lại câu chuyện, bằng nhật ký được viết từng ngày để ghi lại những kỷ niệm khó quên trên "trận chiến" gian khó, nhưng cũng lắm tự hào. Nơi bác sĩ Bình cùng đồng đội đảm nhận nhiệm vụ ở phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh.

Đó không chỉ là những giờ làm việc trong bộ đồ bảo hộ kín mít, mà còn là câu chuyện của tình người, sự yêu thương, sẻ chia của bà con nơi có dịch với đội ngũ y bác sĩ từ Huế vào chi viện.

“Ngày đầu tiên, chúng tôi đến chi viện với tinh thần hào hứng nhưng cũng có chút bồn chồn và lo lắng. Dù bỡ ngỡ, nhưng được sự hướng dẫn của các đồng nghiệp, nên mọi việc đi vào khuôn khổ, quy trình một cách nhanh chóng. Khi bắt tay làm việc, mới biết bà con ở đây rất dễ thương và hợp tác. Gặp đội ngũ chúng tôi, bà con nói rằng “các cháu cố gắng giúp dân nha”; “cô có nước đá đây, các cháu uống tí cho mát”… Buổi chiều, cơn mưa rào ập tới đánh tan đi cái nóng oi, mưa không làm chúng tôi nản chí, mọi người vẫn hăng say lấy mẫu cho bà con. Khi test gặp ca dương tính, dù hơi lo lắng nhưng mọi người xử trí bình tĩnh, nhịp nhàng. Một ngày trôi qua như thế, dù là ai, một khi đất nước cần thì chúng tôi luôn sẵn sàng” – bác sĩ Bình kể.

Qua ngày thứ hai, đoàn bác sĩ Bình gồm 21 sinh viên được chia thành nhiều nhóm nhỏ để phụ trách 18 điểm nóng. “Các tổ nhỏ chúng tôi gồm 2 người/ tổ, các bạn trong tổ phụ trách từ 300 đến 500 người dân, riêng tổ tôi phụ trách gần 800 người dân. Người dân đều nghiêm túc, trật tự xếp hàng để lấy mẫu, mọi người không xô đẩy, chen lấn… Một ngày khá vất vả nhưng vì mục tiêu chung của đất nước, sinh viên y dược luôn hết mình. Về đến nhà nhận được tin vui, được một mạnh thường quân tặng sữa chua, sữa tươi, mỳ ăn liền, kim chi, thịt bò...”.

Ngày thứ 3, “mục tiêu chúng tôi hôm nay nhẹ nhàng hơn, chỉ gần 3.000 người dân”. Theo lời bác sĩ Bình, phải gắng làm việc nhiều hơn, chủ động hơn, vì đội ngũ y tế hỗ trợ nơi đây tạm thời cách ly. Mọi việc phải tự lo, tự liên hệ với các cô, các bác tổ hỗ trợ cộng đồng. Tưởng như sẽ vất vả, nhưng rồi mọi thứ nhanh chóng vào khuôn khổ, công việc khá nhịp nhàng nhờ các bạn tình nguyện viên quận đoàn, các bác tổ dân phố nhiệt tình...

“Cũng ngày này, chúng tôi được xét nghiệm test nhanh cho bản thân, lúc lấy mẫu đợi test, cảm giác hồi hộp đến lo sợ, sợ mình nhiễm một phần nhưng đáng sợ hơn là trở thành gánh nặng cho thành phố, cho đoàn, và không được cống hiến tiếp cho đất nước. May quá 15 phút trôi qua, một vạch... Mừng quá...”, bác sĩ Bình hồi hộp.

Cứ như thế, những ngày làm việc trôi qua đều được bác sĩ Bình kể chi tiết trong nhật ký. Dù gặp nhiều ca nghi nhiễm sau khi xét nghiệm nhanh, nhưng ai cũng bình tĩnh để xử lý một cách rốt ráo. Ví như trong ngày thứ 6, bác sĩ Bình kể, “chúng tôi được phân vào những địa điểm hot hôm nay, chủ trương truy vết càng nhiều F0 càng tốt, các điểm nóng ngày càng tăng, nhưng số lượng tình nguyện viên có hạn, chúng tôi phải tách nhỏ ra đánh lẻ”.

Riêng bác sĩ Bình hôm đó phụ trách 5 địa điểm khu vực phong toả. Anh một mình đến từng nhà, gọi người dân ra xếp hàng, làm test nhanh, khử khuẩn, dọn dẹp… Rất may, người dân rất nhiệt tình hợp tác.

Ngày thứ 8, bác sĩ Bình kể lại với giọng buồn. Đó là ngày mà anh lấy mẫu cho một hộ gia đình 5 người, cả bố mẹ và anh chị em âm tính, duy có một em bé 9 tháng tuổi dương tính. “Thấy bàng hoàng và hoảng sợ, thương em bé quá. Mong mọi người giữ khoảng cách và rửa tay sạch khi tiếp xúc với bé”, bác sĩ Bình xúc động.

Không chỉ thương lo cho những người nhiễm, đội ngũ y bác sĩ và tình nguyện viên theo lời bác sĩ Bình kể cũng đôi lần căng thẳng. Nhớ nhất, là ngày thứ 10, sau buổi sáng xét nghiệm cho hàng trăm bà con, vừa về điểm nghỉ ngơi được đôi chút thì nhận được “tiếng sét ngang tai” rằng bác này dương tính, cô kia cũng tương tự…

“Không biết chúng tôi có tiếp xúc gần hay không, lo lắng, hoang mang, bàng hoàng, nhưng với tư cách đàn anh, phó đoàn quản lý, tôi phải bình tĩnh trấn an các bạn sinh viên, mọi thứ cần bình tĩnh, xác nhận thông tin chính xác, phòng hộ kỹ càng... Với tâm trạng lo lắng, chúng tôi chạy vào làm test nhanh, lại đợi đợi mãi chưa thấy hiện vạch... Lần này chờ đợi không phải hạnh phúc nữa, mà chờ đợi trong sự căng thẳng, hồi hộp. May quá, một vạch,... cũng nguôi ngoai một phần. Thiếp ngủ một tí...”, bác sĩ Bình viết.

Cứ như thế, mỗi ngày trôi qua được bác sĩ Bình ghi chép cẩn trọng, vừa kể lại câu chuyện, tự động viên mình và những đồng đội đang chống dịch. “Hiện tại lực lượng chi viện đến từ Bệnh viện Trường ĐH Y Dược Huế vẫn rất nỗ lực, nhiệt tình trong công tác hỗ trợ phòng, chống dịch ở TP. Hồ Chí Minh. Hy vọng, dịch sẽ sớm được khống chế, TP. Hồ Chí Minh sẽ bình yên, có thế chúng tôi mới yên tâm trở về”, bác sĩ Bình ước mong.

NHẬT MINH

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khám bệnh đầu năm, bác sĩ cảnh báo không nên chủ quan
Khám bệnh đầu năm, bác sĩ cảnh báo không nên chủ quan

Sau đợt nghỉ tết dài ngày, lượng người đến khám tại Bệnh viện Trung ương Huế tăng. Các bệnh phần lớn liên quan đến tiêu hóa, hô hấp, huyết áp… Lực lượng y, bác sĩ khá vất vả để xử lý và phân luồng điều trị.

Lộn nghề
Lộn nghề

Chẳng đau chẳng ốm, buổi chiều vẫn còn ăn uống bình thường, nhưng đến đêm, bỗng nghe tiếng thở của mẹ có vẻ khác lạ.