Thứ Tư, 15/06/2016 07:30

Ứng dụng bài thuốc của Thái Y viện

Nhiều bài thuốc quý của Thái Y viện được tìm thấy trong châu bản triều Nguyễn cần được nghiên cứu thấu đáo để ứng dụng vào khám, chữa bệnh.

Thăm Thái Y ViệnĐề xuất 15 chuyên đề sử dụng các bài thuốc của Thái Y viện Triều Nguyễn

Có thể nghiên cứu ứng dụng các bài thuốc của Thái Y viện trong khám chữa bệnh (Ảnh minh họa)

Sản phẩm từ cung đình

Năm 2015, đề tài khoa học “Sưu tầm, biên dịch và đề xuất hướng sử dụng các bài thuốc của Thái Y viện triều Nguyễn” do Hội Đông y tỉnh chủ trì đã tiến hành sưu tầm, biên dịch hơn 3.000 trang tư liệu Hán Nôm, trong đó giá trị nhất là các châu bản liên quan đến các bài thuốc chữa trị, bảo vệ sức khỏe theo y học cổ truyền của Thái Y viện triều Nguyễn. Qua đánh giá, phân tích, đơn vị chủ trì đề xuất 15 chuyên đề sử dụng các bài thuốc, trong đó, có 10 chuyên đề sử dụng bài thuốc cung đình và 5 chuyên đề sản xuất đặc sản cung đình.

Từ những bài thuốc của Thái Y viện, Công ty TNHH Phát triển sản phẩm văn hóa cung đình triều Nguyễn - Việt Nam nghiên cứu sản xuất trà cung đình, gồm trà hương (ướp hoa) và trà thảo mộc (các vị thuốc) với các loại, như: Ngũ phúc ẩm trà, ngũ tử diễn tông trà, thủ ô giáng chỉ trà, thượng viện ngự trà, trà phủ, Tịnh Tâm liên hoa ngự trà. Mỗi loại trà xuất phát từ một bài thuốc và có chức năng, công dụng khác nhau, xưa vốn được Thái Y viện sử dụng.

Ngoài ra, hai loại rượu cung đình: Liên hoa ngự tửu và hoàng triều ngự tửu cũng được công ty này sản xuất thành công. Đây là những loại rượu được chế biến cầu kỳ, công phu và phục chế lại theo công thức, toa thuốc được ghi chép bởi Thái Y viện, xưa vốn là các loại rượu dùng trong cung đình và chỉ dành cho hoàng tộc. Các sản phẩm được chế biến theo phương pháp cổ truyền nhưng khoa học hóa các khâu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đẹp về hình thức, mẫu mã.

Ông Đặng Văn Thạnh, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển sản phẩm văn hóa cung đình triều Nguyễn - Việt Nam cho hay: “Có được bài thuốc nhưng để chế biến ra sản phẩm là cả một quá trình vất vả, công phu với không ít lần thất bại. Tư liệu của người xưa để lại rất hạn chế, không chỉ bước 1, bước 2 phải làm gì, công cụ cũng rất mơ hồ, tư liệu có nhưng thiếu nên chúng tôi vừa làm, vừa tìm kiếm. Sau nhiều nỗ lực, đến nay, các sản phẩm đã đứng được trên thị trường”.

Ông Thạnh cho biết, công ty ông muốn phát triển thêm các sản phẩm cung đình từ việc ứng dụng những tư liệu quý của Thái Y viện, như bài thuốc ngâm chân, gối bằng thảo dược… Tuy nhiên, quá trình triển khai không dễ dàng, cần nhiều hỗ trợ trong việc đăng ký sản phẩm, phát triển thương hiệu.

Nghiên cứu thấu đáo

Trong số trên 1.000 bài thuốc của Thái Y viện sưu tầm được, có nhiều bài thuốc hay, vị thuốc quý có thể áp dụng để điều trị, chữa bệnh bảo vệ sức khỏe cho mọi người. Nhà giáo ưu tú, Thạc sĩ Phan Tấn Tô, Phó Chủ tịch Hội Đông y TP. Huế cho hay, các bài thuốc bổ khí huyết, bổ thận, tráng dương, những thang thuốc lão khoa, các bài thuốc về trà, rượu, chăm sóc sắc đẹp như tắm gội, làm đẹp da… nếu được ứng dụng sẽ mang đến công dụng rất tốt.

Lương y Thích Tuệ Tâm, Phó Chủ tịch Hội Đông y Thừa Thiên Huế cũng là người tham gia dịch một số châu bản triều Nguyễn và các bài thuốc của ngự y. Từ đó, lương y vận dụng các bài thuốc có trong dược điển để khám chữa bệnh, nhất là chú trọng các bài thuốc thông dụng để bồi bổ sức khỏe, khí huyết. Các bài thuốc: Lục vị, bát vị, quy tỳ… có thể chữa bệnh cho người bị suy nhược. Người đau lưng, nhức mỏi có thể dùng bài thuốc độc hoạt ký sinh thang. Người không ăn, không ngủ được, suy yếu sinh lý thì dùng bài quy tỳ…

Theo lương y Tuệ Tâm, những bài thuốc được tìm thấy rất quý nhưng không phải có thể áp dụng ngay: “Ngày xưa, bài thuốc đó được áp dụng cho vua nhưng giờ không thể áp dụng y nguyên như vậy mà phải điều chỉnh tùy theo cơ địa, bệnh lý của mỗi người. Mỗi khi áp dụng bài thuốc Minh Mạng thang cho một số người, tôi đều bắt mạch để gia giảm phù hợp với thể chất của từng người. Tuy vậy, những bài thuốc bồi bổ sức khỏe vẫn có cách gia giảm sử dụng chung cho mọi người”.

Ông Phan Tấn Tô cho biết, để áp dụng những bài thuốc của Thái Y viện, cần tuân theo các quy định hiện hành của ngành y tế. Các sản phẩm trà, rượu được sản xuất theo dạng thực phẩm chức năng còn đơn giản, nhưng nếu ứng dụng các bài thuốc chữa bệnh thì phải qua hội đồng khoa học thẩm định, thử nghiệm lâm sàng với nhiều khâu thủ tục. Thế nên, các nhà thuốc cổ truyền tư nhân không mặn mà.

Lương y Thích Tuệ Tâm cho rằng, danh tiếng Thái Y viện, ngự y triều Nguyễn là lợi thế để ngành đông y Thừa Thiên Huế có thể phát huy, nghiên cứu sản xuất những bài thuốc từng sử dụng trong cung đình. “Điều quan trọng, cần có sự nghiên cứu thấu đáo của các thầy thuốc giỏi để đưa ra bài thuốc hoàn chỉnh. Các vị lương y giỏi có thể cùng bàn bạc về các thành phần, gia giảm qua kinh nghiệm của mỗi người để đưa ra bài thuốc hiệu quả dựa trên cơ sở bài thuốc cổ truyền. Nên chọn những bài thuốc thông dụng, có thể sử dụng rộng rãi dưới dạng ngâm rượu, thuốc viên, thuốc tể… Nhãn mác cũng theo kiểu cung đình”, lương y đề xuất.

Minh Hiền

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ
“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ

Lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) là phương châm của tỉnh, của ngành nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng điểm và hình thành, phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu có khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá thành, thị trường tiêu thụ.

Ứng dụng công nghệ vào quản lý trật tự đô thị
Ứng dụng công nghệ vào quản lý trật tự đô thị

Với mục tiêu đưa công tác quản lý đô thị (QLĐT) ngày càng đi vào kỷ cương, nề nếp, Đội QLĐT TP. Huế đã thành lập Tổ Quản lý cơ sở dữ liệu (CSDL) và triển khai ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý trật tự xây dựng (TTXD) đô thị trên địa bàn.

Ứng dụng Chitosan oligosaccharide phục vụ chăn nuôi gà
Ứng dụng Chitosan oligosaccharide phục vụ chăn nuôi gà

Đó mục tiêu của dự án (DA) khoa học "Xây dựng mô hình sản xuất và ứng dụng Chitosan oligosaccharide (COS) phục vụ chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế" được Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thành lập hội đồng nghiệm thu vào sáng 7/1.

Kích hoạt và sử dụng ứng dụng định danh điện tử trong thông báo lưu trú tại Bệnh viện Trung ương Huế
Kích hoạt và sử dụng ứng dụng định danh điện tử trong thông báo lưu trú tại Bệnh viện Trung ương Huế

Ngày 27/12, Công an tỉnh phối hợp cùng Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế tổ chức Hội nghị tuyên truyền, sử dụng ứng dụng định danh điện tử (VNeID) trong thực hiện thông báo lưu trú trực tuyến đối với bệnh nhân và người chăm sóc bệnh nhân đang điều trị nội trú tại bệnh viện.