Thứ Ba, 10/01/2017 05:30

“Cầu nối” của ngành dân số

Cộng tác viên (CTV) dân số là “cầu nối” trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về lĩnh vực dân số và là nhân tố quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch dân số-kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ).

Dân số thế giới dự báo tăng lên 9,7 tỷ người vào 2050

 CTV dân số tuyên truyền chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình đến người dân

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà”

Gần 20 năm gắn bó với công tác dân số tại thôn Dưỡng Mong B, xã Vinh Thái (Phú Vang), chị Nguyễn Thị Ty đã “thấm” những vui buồn của người làm CTV dân số. Thôn này có hơn 150 hộ dân, phần lớn làm nghề nông và số đông có quan niệm “đông con hơn đông của”. Xác định thực trạng này, chị Ty không ngại khó, bám sát các trường hợp đã có 2 con, 3 con, nhất là chị em sinh con một bề để tuyên truyền, nhắc nhở sinh đẻ có kế hoạch. Theo lời chị, nghề CTV dân số phải nhẹ nhàng. Để mọi người nghe theo phải “dụ”. Mà “dụ” được phải có thời gian gần gũi, tỉ tê, kể cả đêm hôm. Khi vợ chồng họ cùng nhìn về một hướng tích cực, người CTV mới thành công. Cách làm của chị Ty,  nhiều năm nay, thôn Dưỡng Mong B với hơn 70 đôi vợ chồng nằm trong độ tuổi sinh đẻ nhưng chưa có trường hợp sinh con thứ ba trở lên, góp phần đưa xã Vinh Thái trở thành điển sáng trong công tác DS-KHHGĐ của huyện Phú Vang.

Trò chuyện với chị Hồ Thị Thu, CTV dân số tổ 12, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà hơn 20 năm nay, tôi hiểu được những khó khăn, vất vả của chị. Tổ 12 thường có từ 130-140 đôi vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và địa bàn từng có tỷ sinh con thứ 3 trở lên khá lớn. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, chị kiên trì “đi ngõ gõ từng nhà” để vận động, thuyết phục. “Bài” tuyên truyền của chị Thu thường lấy những điển hình, gia đình sinh ít con, con một bề hạnh phúc, thành đạt để chia sẻ bà con noi theo, xóa dần tư tưởng lạc hậu kiếm “con trai nối dõi tông đường” đang còn vướng ở địa phương. Ba năm nay, tổ 12 chỉ còn 1- 2 trường hợp sinh con thứ ba trở lên.

 Không chỉ bám địa bàn vận động sinh ít con, chị Thu còn giúp cán bộ chuyên trách dân số địa phương có những số liệu tin cậy, cập nhật về tình hình DS-KHHGĐ, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, phòng chống suy dinh dưỡng… để đưa ra giải pháp cụ thể, hiệu quả nhất cho từng đối tượng trong từng giai đoạn ở địa phương. “Làm CTV dân số nếu so tính phụ cấp, tiền lương thì không ai gắn bó lâu dài vì chế độ hàng tháng chưa đủ tiền xăng xe đi lại...”. Chị Thu nói.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Vũ, Trưởng phòng DS-KHHGĐ, Trung tâm Y tế huyện Phú Vang, đội ngũ CTV dân số như những “chân rết”, “cánh tay nối dài” của ngành dân số. Gần dân, sát cơ sở, hiểu được các phong tục tập quán của người dân nên các họ phát huy tốt vai trò truyền thông, vận động nhân dân thực hiện các chính sách về DS-KHHGĐ. “Nếu thiếu vắng đội ngũ CTV dân số, các chỉ tiêu DS-KHHGĐ hàng năm các địa phương cũng khó hoàn thành”. Bác sĩ Vũ nhận định.

Cần động viên kịp thời

Khối lượng công việc không nhỏ, nhưng theo nhiều CTV dân số, chế độ đãi ngộ hiện nay vẫn còn khá khiêm tốn. Theo Quyết định 84/2017 UBND tỉnh ngày 29/9/2017, mỗi CTV dân số thôn, bản, tổ dân phố... được nhận chế độ phụ cấp chưa đến 300 nghìn đồng/tháng (0,2% mức lương cơ sở). Phụ cấp eo hẹp, gần như không đủ bù đắp chi phí đi lại để thu thập thông tin số liệu hay tuyên truyền, vận động... Do vậy, đội ngũ CTV dân số ở nhiều địa phương thường xuyên thay đổi, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động ở cơ sở.

Một cán bộ chuyên trách dân số ở thị xã Hương Thủy chia sẻ, nhiều CTV hỏi về vấn đề phụ cấp, chị giải thích cặn kẽ cho họ hiểu tình hình chung và động viên mọi người cố gắng hoàn thành tốt công tác. Hiện nay, CTV dân số làm việc với tấm lòng và tâm huyết yêu nghề là chính. Nhưng không thể chờ mãi vào sự tâm huyết, nhiệt tình của các CTV dân số được.

Bác sĩ CK II Tôn Thất Chiểu, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGD tỉnh cho biết, hiện nay, công tác  DS-KHHGĐ là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển. Để thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ, vai trò của CTV dân số là không thể thiếu. Vì vậy rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền để các CTV yên tâm, góp phần đưa công tác DS-KHHGĐ đạt được hiệu quả, nâng cao chất lượng sống ở địa phương.

Hiện, toàn tỉnh có 2.090 CTV dân số. Hằng năm, trên cơ sở hướng dẫn của ngành y tế-dân số, các địa phương tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, cung cấp thông tin, nói chuyện chuyên đề về công tác dân số, đặc biệt chú trọng triển khai các nội dung, thông tin tuyên truyền về Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới... Qua đó cung cấp, bổ sung kiến thức, kỹ năng, giúp đội ngũ CTV dân số các địa phương có thể triển khai lồng ghép, tuyên truyền công tác DS-KHHGĐ ở địa phương đạt kết quả tốt.

Bài, ảnh: Minh Trường

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cùng nhau chịu trách nhiệm cho bi kịch ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria
Cùng nhau chịu trách nhiệm cho bi kịch ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng là quá lớn, gây áp lực đáng kể lên lực lượng cứu hộ ở hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, đồng thời làm cạn kiệt các nguồn lực quan trọng cần thiết để đẩy nhanh quá trình phục hồi.

6 xu hướng chính cần theo dõi trong năm 2023
6 xu hướng chính cần theo dõi trong năm 2023

Đại dịch COVID-19 đang diễn ra, những cú sốc địa chính trị và lạm phát kéo dài dự kiến sẽ tiếp tục là những rủi ro chính trong năm 2023. Tuy nhiên, châu Á có thể sẽ là một điểm sáng trong bối cảnh những cơn gió ngược ngày càng gia tăng, khi khả năng phục hồi của khu vực một lần nữa được thể hiện.

Dịch cúm gia cầm điều hướng thế giới mở rộng kế hoạch tiêm chủng vaccine
Dịch cúm gia cầm điều hướng thế giới mở rộng kế hoạch tiêm chủng vaccine

Tính từ năm 2015, Nông dân chăn nuôi vịt người Pháp Herve Dupouy đã 4 lần phải tiêu hủy đàn vịt của mình để ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm gia cầm. Dù vậy, khi đợt dịch một lần nữa bùng phát trong trang trại của ông, người nông dân Pháp Herve Dupouy khẳng định, đã đến lúc phải chấp nhận giải pháp tiêm chủng cho gia cầm.