Sự hy sinh thầm lặng của các lực lượng tuyến đầu góp phần mang lại sự bình yên, an toàn cho Nhân dân. Ở đó, nhiệm vụ “chống dịch như chống giặc” đã được thực thi bằng những mệnh lệnh thần tốc với những câu chuyện viết từ trái tim…
Trong đợt bùng phát dịch thứ 4 (28/4/2021), Thừa Thiên Huế có 52 ngày không xuất hiện F0. Ca bệnh đầu tiên cắt đứt chuỗi ngày bình yên được phát hiện tại xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc.
Mệnh lệnh được Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh Phan Ngọc Thọ (nay là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy) ban hành: "Chính quyền chỉ đạo, quân sự cách ly, công an truy vết, y tế dịch tễ". Hàng loạt giải pháp phòng chống COVID-19 được thảo luận, ban hành, mở đầu cho giai đoạn chống dịch cam go ở Huế.
Cuộc chiến phòng, chống COVD-19 ở Thừa Thiên Huế đứng trước thử thách chưa từng có: 25 ngàn công dân Huế ùn ùn trở về từ các tâm dịch. Đó là những ngày căng thẳng đối với lực lượng chống dịch trước những tình huống báo động.
Cửa ngõ phía nam của Thừa Thiên Huế - huyện Phú Lộc, những ngày cuối tháng 7 thực sự dài và nóng bỏng. Dưới cái nắng miền Trung như thiêu đốt, hàng ngàn người dân từ các tỉnh phía nam ùn ùn về quê tránh dịch.
Lực lượng chức năng tiếp sức, phân luồng, dẫn đường cho người dân về quê tránh dịch
Dòng người về quê tự phát cùng lúc ồ ạt, dồn dập đặt công tác phòng chống COVID-19 ở Huế trước tình trạng báo động. Cùng với đó là nguy cơ lây lan dịch bệnh nếu công tác tổ chức phân luồng khai báo thiếu chặt chẽ, khi những ca F0 từ người chạy xe máy về quê tiếp tục gia tăng.
Chỉ tính từ 25-27/7, hơn 1.500 công dân cùng hơn 700 phương tiện từ vùng dịch trở về quê nhà miền Trung.
2h sáng... 4 giờ sáng... nhiều lần Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc - Phan Công Mẫn cùng lực lượng cảnh sát giao thông, y tế, chính quyền địa phương... có mặt ở đỉnh đèo Hải Vân tiếp tế mì, sữa, nước uống, xăng xe và hướng dẫn bà con về chốt số 5 khai báo y tế. Những người Huế trong đoàn được đưa đến khung cách ly T6 của Đại học Huế. Hàng ngàn người ngoại tỉnh còn lại được Cảnh sát giao thông (CSGT) tổ chức phương tiện dẫn đường rời khỏi địa bàn Thừa Thiên Huế an toàn.
Nhớ lại những ngày căng thẳng đó, thượng tá Đoàn Minh Hải, Trưởng Công an huyện Phú Lộc cho hay, 100% quân số của công an huyện được huy động; cán bộ, chiến sĩ đơn vị phải làm việc với tần suất gấp 2-3 lần so với ngày thường.
Trong số hơn 100 chốt kiểm soát y tế, cửa ngõ phía Nam có hai chốt số 4 và 5. Đây là hai chốt chịu nóng cả về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Dưới nắng hè gay gắt miền Trung, dòng người về quá đông, nhân viên các chốt làm việc bở hơi tai vẫn không kịp cho hoạt động thông tin khai báo, kết nối...
Chốt Kiểm dịch số 5 đón hàng trăm công dân mỗi ngày. Cao điểm, có ngày, chốt tiếp nhận, lấy lời khai y tế và tiến hành các thủ tục chuyển cách ly cho hơn 500 lượt người. “Lượng người về tăng nhanh không đoán định được. Chúng tôi tăng cường hết lực lượng luân phiên túc trực 24/24, xuyên đêm bám chốt”, thiếu tá Huỳnh Tuế, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông huyện Phú Lộc nói về những ngày vất vả.
Suốt hơn 2 tháng, thượng úy Cao Thị Hồng Nhung, cán bộ Đội CSGT-TT Công an huyện Phú Lộc được tăng cường làm nhiệm vụ phòng chống dịch tại chốt số 5 địa bàn huyện Phú Lộc. Chồng chị, một cán bộ an ninh thuộc Công an huyện cũng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát số 4 và chốt phong tỏa của huyện. Hai vợ chồng chị gửi con cho ông bà nội chăm sóc để xung trận cùng đồng đội chống dịch. Thượng úy Nhung trải lòng: "Hàng ngày, chị cùng hai đồng đội làm ca luân phiên đón các xe từ phía Nam đi qua địa bàn tỉnh; đưa người dân vào khai báo y tế. Có những ngày, cơn mưa giông bất chợt vừa trút xuống, vai áo chưa kịp khô thì cái nắng nóng bỏng rát da lại hầm hập đến. Thế nhưng, vất vả, khó khăn vẫn không bằng cán bộ, chiến sĩ tại các tỉnh, thành phía Nam nên tôi và đồng đội động viên nhau cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Chốt số 4 do TX. Hương Thủy đảm trách có phần khác biệt khi đóng trên địa bàn huyện Phú Lộc từ năm 2020. Đến ngày 10/8/2021, chốt dời đến địa điểm mới, cách hầm đường bộ Hải Vân khoảng 500m. Điều này khiến, lực lượng trực chốt của TX. Hương Thủy cả đi lẫn về mỗi ngày hơn 100km.
Hỗ trợ công dân khai báo y tế 24/24 tại chốt số 4
“Chuyện mọi người vừa phải tập trung cao độ để tránh sai sót khi hỗ trợ bà con điền thông tin vừa phải nghe những cáu gắt, thậm chí quát nạt, chửi thề là bình thường. Nhiều lúc cũng ức chế lắm nhưng rồi mọi người động viên nhau là do bà con mệt mỏi, lo lắng và do thời tiết nắng nóng nên mới vậy”, chị Nguyễn Nữ Khánh Ngọc – Phó Bí thư Đoàn P. Thủy Phương (TX. Hương Thủy) chia sẻ. “Đến hiện tại, tôi và em trai vẫn đang tình nguyện tham gia trực tại chốt số 4. Mỗi khi xong ca trực trở về nhà, ba mẹ đều để sẵn nước sát khuẩn ngoài cổng. Rửa tay xong, 2 chị em còn đứng bên ngoài khoảng 15 phút mới vào nhà, kể cả khi trời mưa”, chị Khánh Ngọc nói thêm.
Cũng theo chị Khánh Ngọc, thời điểm chưa có người đến khai báo y tế, anh chị em có thể tranh thủ vận động, thư giãn một lúc. Trong khi đó, lực lượng cảnh sát giao thông phải căng mắt 24/24 để tránh tình trạng lọt chốt, lực lượng y tế luôn đối diện nguy cơ lây nhiễm cao nhất, nên những vất vả trên chưa thấm vào đâu.
Toàn tỉnh có 167 khung cách ly tập trung, 18 khung tuyến tỉnh là nơi có số lượng người về khá đông và phức tạp. Suốt hai tháng trời, hơn 95% ca nhiễm COVID-19 liên tục được công bố đều xuất phát từ các khung.
T6 là khung áp lực về công suất phục vụ lẫn nguy cơ lây nhiễm cao khi nơi đây đã xuất hiện hàng chục ca F0. Cao điểm, T6 cách ly xấp xỉ 2.400 công dân ở 450 phòng, 10 dãy nhà cao tầng trong khi chỉ có 20 người phục vụ trực tiếp. Khung có gần 150 trẻ dưới 3 tuổi, gần 20 người trên 70 tuổi có bệnh nền được chăm sóc đặc biệt, 65 phụ nữ mang thai với chế độ bữa ăn khác nhau.
Cán bộ y tế và đội ngũ phục vụ căng mình tại các khung, vừa phục vụ tốt vừa tránh lây nhiễm chéo
Bình quân mỗi ngày nơi đây sử dụng 300 thùng nước lọc 20 lít, việc vác số lượng nước này giao đến từng phòng đối với các chiến sĩ dân quân tự vệ tựa như một cuộc rèn luyện thể hình công suất cao. Hoàng Vĩnh Nguyên, dân quân tự vệ phục vụ tại T6 bộc bạch: “Sau mỗi buổi đi phát cơm, bưng nước là mồ hôi đẫm cả bộ áo quần phòng hộ. Chúng tôi làm việc không ngừng trong ngày nên mọi người phải thay phiên nhau để còn giữ sức phục vụ lâu dài”.
Tại T7, nơi có 20 cán bộ chiến sĩ “giàu kinh nghiệm” làm nhiệm vụ tại các khung cũng áp lực không kém. Thiếu tá Nguyễn Đức Thế, Chính trị viên khung T7 nói: “Dù là lễ, hay ngày thường thì chúng tôi cũng bắt đầu ngày mới từ hơn 4 giờ sáng và kết thúc công việc khi mọi người đã ngon giấc . Vô vàn công việc không kể hết, vừa lo bữa ăn, giấc ngủ cho công dân cách ly vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch”.
Lo bữa ăn, nước uống, đảm bảo an ninh trật tự... trong điều kiện nhân lực ít, công dân cách ly nhiều
Tuy thực hiện các biện pháp an toàn cho đội ngũ cán bộ nhân viên làm việc tại các khung nhưng tình trạng lây nhiễm chéo vẫn diễn ra. Sau khi xuất hiện ca F0 tại T5 và điểm cách ly tuyến huyện, Bộ CHQS tỉnh đã họp bàn đánh giá tình hình quản lý, đồng thời rút kinh nghiệm trong lực lượng làm nhiệm vụ, siết chặt hơn nữa các quy định tại khung.
Chia sẻ về nhiệm vụ trấn giữ trận tuyến cách ly của người lính tuyến đầu, Thượng tá Ngô Nam Cường, UVTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh không kìm được xúc động: “Nhiều cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở các khung cách ly từ ngày đầu có dịch. Tất cả luôn nỗ lực hết mình bởi chúng tôi xác định đó không chỉ là trách nhiệm, mà còn là mệnh lệnh từ trái tim của những người lính trên trận tuyến chống dịch”.
Cách ly ở khung "nóng" T6
Trong các mũi giáp công chống dịch, lực lượng y tế hoạt động ngày đêm không nghỉ trên trận tuyến đối mặt với kẻ thù không dáng hình.
Ở CDC Thừa Thiên Huế, ông Lê Văn Sanh, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm là người chuyên phân tích những thông tin dịch tễ, đưa ra mệnh lệnh kịp thời nhất cho lực lượng phản ứng nhanh. “Chỉ cần manh mối đầu tiên là đã tung quân đi. Tất cả những gì nắm được đều phải đi hết trong ngày, đảm bảo không có thông tin nào bị bỏ sót. Tuyệt đối không chần chừ, chờ đợi vì bất cứ lý do gì”, ông Lê Văn Sanh nhấn mạnh.
Phân tích mẫu xét nghiệm COVID-19
Chạy đua trong từng khoảnh khắc, những chén cơm ăn vội, nhiều bữa còn chẳng kịp ăn và cả những giấc ngủ chắp nối, chập chờn… Đó là những nhọc nhằn có thể nhìn thấy của người làm nhiệm vụ truy vết COVID-19. “Truy vết chỉ chậm một chút là mất dấu. Vậy nên dù bất cứ hoàn cảnh nào, thời gian nào, anh em cũng phải phản ứng cực nhanh với các manh mối thông tin”, BS. Hoàng Văn Đức, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh bảo đó là đặc thù của “lính” truy vết.
Trong khi đó, những nhân viên xét nghiệm – người được cộng đồng ví von là “thợ săn F0” nhốt mình trong các phòng "lab" liên tục. Từ đầu đợt dịch bùng phát lần thứ tư đến cuối tháng 9/2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện sàng lọc hơn 35.000 mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2.
Lấy mẫu xét nghiệm cho tiểu thương các chợ phục vụ truy vết
Mỗi ngày, trên bản tin, chúng ta có thể thấy những con số mẫu xét nghiệm thay đổi liên tục một cách cơ học. Song, đằng sau nó được đong đếm bằng tần suất làm việc liên tục không nghỉ của hàng trăm cán bộ, nhân viên y tế các tuyến.
“Tan ca làm sau 20 tiếng, cần một ly nước gì đó ngọt ngào kẻo tụt đường huyết. Hơn 2 tháng nay đêm nào cũng quay cuồng với công việc, ngày thưa thưa thì 700- 1.000 mẫu, ngày nóng nóng thì 3.000-4.000, căng lắm chứ không phải đùa đâu nha...”. Đó là những dòng nhật trình tóm tắt ngày làm việc vất vả nhưng tràn đầy năng lượng tích cực của đội ngũ làm công tác xét nghiệm.
Theo 115 đón F
Với các bác sĩ nơi bệnh viện dã chiến lần đầu điều trị F0, mọi thứ đều hoàn toàn mới mẻ. BSCKI Ngô Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Phú Lộc, Phụ trách công tác điều trị tại Bệnh viện dã chiến Chân Mây bộc bạch: “Khó nhất đối chúng tôi là vấn đề nhân lực”. Quy mô 200 giường bệnh nhưng có thời điểm phải tiếp nhận hơn 210 F0, trong khi nhân lực eo hẹp, trang thiết bị thiếu thốn. “Áp lực vô cùng nhưng toàn đội ngũ xác định, phải áp dụng linh hoạt các phương án, vượt qua khó khăn, lúng túng ban đầu để hoàn thành nhiệm vụ”, BS.Dũng trải lòng.
Thiếu tá, bác sĩ quân y Nguyễn Trung Giang-Trưởng cơ sở cách ly T2-F0 lần thứ năm nhận nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch và lần này đối mặt với nhiệm vụ giành lại sự sống cho những ca F0. 18 tháng xa nhà, đợt dịch thứ 4 bùng phát, ba anh ở quê nhập viện do nhiễm trùng máu. Có lúc, anh đã chuẩn bị tâm lý vì tưởng ba không qua khỏi.
“Ba mẹ tôi đều là cán bộ quân đội nghỉ hưu nên luôn động viên tôi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. “Con không chỉ là một người lính mà còn là một bác sĩ”. Chính niềm tự hào, sự thấu hiểu, thông cảm từ hậu phương đã giúp tôi yên tâm gác niềm riêng, toàn tâm, toàn ý với công việc”, bác sĩ Giang tâm sự.
Lực lượng tham gia điều trị, phục vụ ở T2-F0
Bị kéo vào “cuộc chiến” với COVID-19 là điều không một nhân viên y tế nào muốn. Nhưng bằng tất cả trách nhiệm với nghề, với cộng đồng, đội ngũ nhân viên y tế đã không chần chừ trước bất cứ điểm nóng nào. Và rồi, trong môi trường dịch bệnh vất vả như vắt kiệt sức, họ đã biến sự khó khăn thành cơ hội trải nghiệm và trưởng thành.
Đáp lại sự nỗ lực không ngừng nghỉ ấy là kết quả của công tác điều trị. PGS.TS Trần Kiêm Hảo- Giám đốc Sở y tế vui mừng: “Các trường hợp F0 đều được kiểm soát ngay từ khi phát hiện. Ngành y tế đang đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đối với những trường hợp F0 được ghi nhận và với những bệnh nhân có triệu chứng”.
Với sự vào cuộc tổng lực của đội ngũ y tế; cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ổ dịch từng bước được khống chế. Một thảm họa đại dịch có nguy cơ bùng phát trên diện rộng ở Huế mà nhiều người lo sợ đã được ngăn chặn. Trong cuộc chiến cam go giành giật bình yên và sự sống từ tay COVID-19, gần 730 F0 điều trị đã được an lành về nhà. Những vùng "xanh" dần được mở...