Thứ Ba, 22/05/2018 07:37

Tổn thương tâm lý và sức khỏe với nạn nhân sau thiên tai khó đong đếm

Sau bão số 5, một số trường hợp đến bệnh viện khám và điều trị do có các triệu chứng xuất hiện và nặng lên khi mưa lớn hoặc nghe các bản tin về bão lũ. Ngoài hỗ trợ sinh kế, tư vấn về ổn định tâm lý cho nạn nhân sau thiên tai cần được quan tâm. T.S Trần Như Minh Hằng, Trưởng Bộ môn Tâm thần Trường ĐH Y Dược – ĐH Huế, Trưởng phòng khám sức khỏe tâm thần và trị liệu tâm lý BV Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế cho hay:

Người dân các tỉnh miền Trung vừa trải qua những thảm họa thiên nhiên liên tục, bão chồng bão, lũ chồng lũ, sạt lở đất liên tục... thật sự ám ảnh họ.

Ở các nước phát triển, sau các sự cố, thảm nạn, đội ngũ chuyên gia làm việc trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần luôn có mặt để hỗ trợ tâm lý cho người dân. Tại Việt Nam, vấn đề này chưa được quan tâm thấu đáo. Tháng 10/2014, hội thảo về “Đánh giá nhu cầu và hỗ trợ tâm lý, sức khỏe tâm thần sau thảm họa” đã đề cập đến việc soạn thảo hướng dẫn cho cán bộ y tế về việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân sau thảm họa. "Đến nay, dù làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần, tôi vẫn chưa tiếp cận tài liệu này", T.S Hằng nói.

T.S Trần Như Minh Hằng. Ảnh: L.Tuệ 

-Thưa T.S , thời gian gần đây, các trường hợp thiệt mạng trong mưa lũ và sạt lở đất tăng lên do thiên tai diễn biến phức tạp. Đối tượng nào được xem là dễ bị tổn thương tâm lý trong hoàn cảnh này?

Những người dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng của thiên tai như bão lụt, sạt lở...  ít hay nhiều đều có ảnh hưởng tiêu cực về mặt tâm lý, tuy nhiên, nạn nhân trực tiếp như những người bị mất mát tài sản, phải di tản đến nơi khác, mất người thân là những người dễ bị tổn thương tâm lý, bị ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần nhiều nhất.

Trong số này thì phụ nữ, trẻ em, người lớn tuổi, người khuyết tật và những người có điều kiện kinh tế khó khăn, không được huấn luyện các kỹ năng ứng phó với thiên tai, thảm họa, thiếu sự chuẩn bị về mặt tâm lý cũng như cũng như những người sống ở những nơi xa xôi hẻo lánh, phương tiện đi lại khó khăn, những người ít được sự hỗ trợ, chia sẻ của cộng đồng sẽ là người dễ bị ảnh hưởng nhất.

-Ảnh hưởng tâm lý xã hội sau thảm hoạ đối với các nạn nhân và người thân của họ biểu hiện như thế nào?

Sau thiên tai, thảm họa… những thiệt hại về mặt kinh tế có thể đo lường được nhưng nỗi đau về mặt tổn thương tâm lý và sức khỏe tâm thần cho người dân và cộng đồng bị ảnh hưởng khó đong đếm.

Các biểu hiện về mặt tâm lý của người dân sau thảm họa sẽ ở các mức độ khác nhau tùy thuộc vào những mất mát họ đã trải qua, nhân cách và khả năng ứng phó của mỗi người cũng như sự hỗ trợ và giúp đỡ của cộng đồng, xã hội.

Những trường hợp mất mát tài sản lớn, chứng kiến cái chết của những người thân sau thiên tai có thể dẫn đến lo âu, trầm cảm kéo dài và có những trường hợp có thể kéo dài suốt cả cuộc đời với một rối loạn được gọi là “Rối loạn stress sau sang chấn – PTSD (Post Traumatic Stress Disorder)”. Người bị rối loạn sẽ có những cơn hồi tưởng và họ như sống lại với hoàn cảnh đã gây sang chấn kèm theo với cơn hoảng sợ.

Nhiều bệnh nhân biểu hiện bằng các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, cảm giác hồi hộp đánh trống ngực, run... khi nghe những bản tin dự báo bất lợi về thời tiết. Những dấu hiệu này cũng thường là các dấu hiệu của lo âu, trầm cảm. Người chịu tác động nặng nề của thảm họa thường trải qua một trạng thái về sốc tâm lý, cảm thấy tuyệt vọng, có thể tìm đến rượu bia hay các chất kích thích khác như ma túy để giải tỏa tâm trạng của mình thậm chí có những hành vi nguy hiểm cho bản thân như tự hủy hoại cơ thể hoặc tự sát.  

Chủ tịch UBND tỉnh - Phan Ngọc Thọ (bìa trái) chia sẻ, động viên gia đình các nạn nhân mất tích ở Thủy điện Rào Trăng 3 khi họ vào hiện trường cùng lực lượng tìm kiếm. Ảnh: Tr. Hồng 

-Thường, thời gian kéo dài các sang chấn này là bao lâu? Mức độ nào thì cần can thiệp và tham vấn chuyên gia tâm lý?

Thời gian kéo dài của những ảnh hưởng tâm lý này tùy thuộc vào cách ứng phó của từng người trước sang chấn, những mất mát mà họ đã trải qua cũng như những hỗ trợ và chia sẻ mà họ nhận được.

Có những nạn nhân có thể bị các rối loạn tâm lý kéo dài hàng chục năm. Khi mất ngủ, lo lắng, buồn bã, những suy nghĩ tiêu cực bi quan... kéo dài ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống. Có trường hợp nghĩ đến cái chết, lạm dụng quá các chất kích thích thì nên tìm đến các chuyên gia sức khỏe tâm thần để được điều trị. Nếu được hỗ trợ tốt, điều trị càng sớm và kịp thời thì khả năng hồi phục của nạn nhân càng tốt.

-Vậy giải pháp điều trị nào thì hiệu quả cho chính nạn nhân và những “người trong cuộc” vơi bớt nỗi đau?

Sau bão số 5 và những đợt ngập lụt nặng, chúng tôi đã tiếp nhận một số trường hợp (phần lớn là nữ) đến khám do lo âu, trầm cảm. Họ cho biết, những triệu chứng thường xuất hiện và nặng lên khi mưa lớn hoặc nghe các bản tin về bão lũ.

Những trường hợp này, việc trị liệu thường kết hợp giữa điều trị tâm lý và thuốc cho bệnh nhân. Thuốc sử dụng để hỗ trợ nhanh, giúp cải thiện giấc ngủ, giảm các triệu chứng lo âu hay các triệu chứng như hồi hộp, đánh trống ngực, cảm giác căng thẳng còn liệu pháp tâm lý sẽ trang bị cho bệnh nhân kỹ năng ứng phó và giải quyết tình huống, thay đổi suy nghĩ và hành vi để thích nghi với hoàn cảnh. Bên cạnh đó, những hỗ trợ của chính quyền và cộng đồng để người bệnh sớm ổn định cuộc sống cũng là điều quan trọng.

Một khi để tai nạn xảy ra thì việc gây ra tổn thương về tâm lý là điều khó tránh khỏi. Cung cấp kiến thức về sức khỏe tâm thần, về thảm họa, rèn luyện lối sống tích cực, các kỹ năng ứng phó với tình huống, giải quyết vấn đề và sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng cũng là các phương pháp chính tăng năng lực của cá nhân trong việc ứng phó với những hoàn cảnh bất lợi nói chung và thảm họa thiên tai nói riêng.

Mạng lưới y tế cơ sở và các cộng tác viên rất quan trọng, họ có thể là những người đầu tiên phát hiện những trường hợp có vấn đề về sức khỏe tâm thần tại cộng đồng. Nên tập huấn cho những cán bộ y tế cơ sở những kỹ năng cơ bản để hỗ trợ cho người dân có vấn đề về tâm lý.

-Vấn đề điều trị tâm lý ít được quan tâm khi mà người dân liên tục đối mặt với những bất ngờ từ thiên tai mùa này, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Làm thế nào để họ được tiếp cận các kênh tư vấn kịp thời khi phát hiện các dấu hiệu sang chấn?

Đây thật sự là câu hỏi khó vì hiện chưa có những chương trình cụ thể hỗ trợ cho người dân có vấn đề về sức khỏe tâm thần sau thiên tai. Tuy nhiên, khi có vấn đề hoặc có các biểu hiện nói trên, người dân nên đi khám để được tư vấn trực tiếp ở một trong 3 địa chỉ tại tỉnh Thừa Thiên Huế: Phòng khám sức khỏe tâm thần và trị liệu tâm lý – BV Trường ĐH Y Dược Huế số 51 Nguyễn Huệ; Khoa Sức khỏe Tâm trí – BVTW Huế và Bệnh Viện Tâm thần Huế - 39 Phạm Thị Liên. Bên cạnh đó, nên có những chương trình truyền thông về chủ đề “Tác động tâm lý của thảm họa đến sức khỏe tâm thần và các biện pháp can thiệp” để người dân có thể tiếp cận thông tin được dễ dàng.

Xin cảm ơn bà!

L.Tuệ (Thực hiện) 

 

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trồng răng implant ở đâu tốt nhất tại TPHCM
Trồng răng implant ở đâu tốt nhất tại TPHCM?

Xu hướng trồng răng implant đang ngày càng nở rộ trong cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam bởi những lợi ích của nó so với phương pháp trồng răng truyền thống. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa biết đến địa chỉ nha khoa uy tín để tiến hành trồng răng implant tại TPHCM. Cùng chúng tôi khám phá bài viết dưới đây để giải đáp thắc mắc này.