Chủ Nhật, 14/12/2014 14:41

Trục lợi bảo hiểm y tế xuất phát từ cả cơ quan y tế và người dân

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Có tình trạng lạm dụng bảo hiểm y tế, việc lạm dụng này xuất phát từ 2 phía cơ quan y tế và người dân.

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Đoàn Hưng Yên) chất vấn: Tình trạng lạm dụng bảo hiểm y tế gia tăng, cơ sở y tế tiếp thị khám chữa bệnh, xuất hiện tình trạng nhiều người đi khám làm gia tăng chi phí khám chữa bệnh, gây quá tải và bội chi Quỹ bảo hiểm y tế, Bộ trưởng có biện pháp gì?

Thứ 2, một số bệnh nan y như ung thư, tim mạch... cần được đi khám ở tuyến trung ương chứ không cần đi khám qua các tuyến xã, huyện, tỉnh như hiện nay vì những bệnh đó ở tuyến trên mới chữa được, thêm nữa vì thủ tục rườm rà, tình trang lạm dụng kỹ thuật, không thừa nhận kết quả khám chữa bệnh gây lãng phí nguồn lực.

Vấn đề thứ 3, ở tuyến xã huyện, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ y bác sĩ hạn chế, Bộ trưởng có biện pháp gì?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc – Đoàn Hưng Yên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế. Ảnh Quochoi.vn

Tiếp đó, nhiều đại biểu khác cũng hỏi về tình trạng lạm dụng, trục lợi bảo hiểm y tế và biện pháp chống lạm dụng, chống vỡ quỹ bảo hiểm y tế của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Liên quan đến nhóm vấn đề về trục lợi bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ngành vừa tổ chức đoàn đi kiểm tra, giám sát thì thấy có tình trạng lạm dụng bảo hiểm y tế thật. Việc lạm dụng này theo Bộ trưởng là xuất phát từ 2 phía: cơ quan y tế và người dân.

Theo bà Tiến đánh giá, do giá dịch vụ tăng, quyền lợi được hưởng của người đóng bảo hiểm y tế đã rộng hơn, và với chủ trương thông tuyến thì nhiều người đã lạm dụng. “Có những người khám đến 20-30 lần trong thời gian ngắn, sáng đi khám, chiều lại tiếp từ bệnh viện này sang bệnh viện khác…”, Bộ trưởng Tiến thừa nhận.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến

Với các cơ sở y tế, cơ chế tự chủ bên cạnh mặt tích cực, cũng có hạn chế là lạm dụng kỹ thuật xét nghiệm, dịch vụ y tế, kéo dài thời gian nằm viện hoặc chưa thật cần thiết như vẫn yêu cầu nằm viện…, việc làm này theo Bộ trưởng là để tăng nguồn thu cho đơn vị.

 “Bộ sẽ làm quy trình quản lý khám chữa bệnh chặt chẽ hơn, kèm theo giám sát, cùng với Bảo hiểm xã hội có định mức trần chi, đổi mới mô hình tự chủ của cơ sở y tế; các cơ sở y tế công nhận kết quả xét nghiệm của nhau, trước mắt là ở một số bệnh tuyến trung ương”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Theo VOV

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những điểm mới đáng chú ý trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi
Những điểm mới đáng chú ý trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 gồm 12 Chương, 121 Điều (tăng 3 Chương và 30 Điều so với Luật năm 2009). Với những điểm mới của Luật sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.