Chủ Nhật, 12/04/2020 15:44

Ấn Độ ngừng sản xuất siro ho nghi liên quan đến 69 trẻ tử vong ở Gambia

Hôm nay (12/10), giới chức Ấn Độ đã cho ngừng sản xuất siro ho tại một nhà máy của hãng dược Maiden Pharmaceuticals, sau khi WHO cảnh báo loại siro này có thể liên quan đến cái chết của hàng chục trẻ em ở Gambia.

Bốn loại siro ho của Ấn Độ bị nghi liên quan đến các ca tử vong ở trẻ em Gambia. Ảnh: Outlookindia/Vietnamnet

Anil Vij, Bộ trưởng Y tế của bang Haryana – nơi hãng dược Maiden đặt nhà máy, tiết lộ rằng các nhà chức trách đã kiểm tra một nhà máy của Maiden gần thị trấn Sonipat của bang và đã phát hiện 12 sai phạm về tiêu chuẩn sản xuất ở đây.

Tuần trước, WHO cho biết, phân tích trong phòng thí nghiệm đối với 4 sản phẩm của Maiden - bao gồm Promethazine Oral Solution, Kofexmalin Baby Cough Syrup, Makoff Baby Cough Syrup và Magrip N Cold Syrup, có chứa lượng diethylene glycol và ethylene glycol ở mức “không thể chấp nhận được”, có thể gây độc và dẫn đến tổn thương thận cấp tính.

Được biết, những chất này rất độc hại, khiến người dùng gặp phải các triệu chứng như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, đau đầu..., thậm chí tử vong.

Trong một báo cáo điều tra sơ bộ vừa được công bố ngày 11/10, cảnh sát Gambia nói rằng, cái chết của 69 trẻ em do tổn thương thận cấp tính có liên quan đến loại siro ho được sản xuất tại Ấn Độ và được nhập khẩu thông qua một công ty có trụ sở tại Mỹ.

Đây là một trong những sự cố nghiêm trọng nhất liên quan đến thuốc từ Ấn Độ - quốc gia thường được mệnh danh là “nhà thuốc của thế giới”.

Trang tin Moneycontrol trước đó dẫn lời một nhân viên kiểm soát dược phẩm của bang Haryana cho biết, trong một báo cáo rằng hãng dược Maiden đã không thực hiện việc kiểm tra chất lượng propylene glycol, diethylene glycol và ethylene glycol, trong khi một số lô propylene glycol không có ngày sản xuất và hạn sử dụng.

Diethylene glycol và ethylene glycol được sử dụng trong chất chống đông và dầu phanh thuỷ lực, cũng như trong các ứng dụng công nghiệp khác. Tuy nhiên, nó cũng có thể được sử dụng như một chất thay thế có giá rẻ hơn trong một số sản phẩm dược phẩm, thay cho glycerine - một chất dung môi hoặc chất làm đặc trong nhiều loại siro ho.

Ông Naresh Kumar Goyal - Giám đốc điều hành của Maiden hiện từ chối bình luận về sự cố này. Ông nói với Reuters vào tuần trước rằng công ty đang cố gắng tìm hiểu những gì đã xảy ra ở Gambia.

Trên trang web của hãng, Maiden tuyên bố họ có công suất sản xuất hàng năm là 2,2 triệu chai siro, 600 triệu viên nang, 18 triệu thuốc tiêm, 300.000 ống thuốc mỡ và 1,2 tỷ viên nén tại 3 nhà máy. Các sản phẩm của Maiden được bán trong nước và xuất khẩu sang các nước ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh.

Ấn Độ cho biết các loại siro ho nói trên chỉ được phép xuất khẩu sang Gambia, mặc dù WHO cảnh báo rằng chúng có thể đã được lưu hành đến nhiều nơi khác thông qua các thị trường không chính thức.

Tuần trước, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết các mẫu của cả 4 sản phẩm mà Maiden xuất khẩu sang Gambia đã được gửi để kiểm tra tại phòng thí nghiệm liên bang và kết quả sẽ “định hướng cho quá trình hành động tiếp theo, cũng như làm rõ về những thông tin nhận được từ WHO”.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters)

 

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính G20 tập trung bàn về vấn đề nợ và tiền điện tử
Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính G20 tập trung bàn về vấn đề nợ và tiền điện tử

Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ nhóm họp tại Ấn Độ vào tuần tới để thảo luận về vấn đề nợ đang gia tăng giữa các nước đang phát triển, quy định về tiền điện tử và nỗi lo suy thoái toàn cầu.

Quốc gia đông dân thứ hai thế giới đối mặt với thời tiết cực đoan gia tăng
Quốc gia đông dân thứ hai thế giới đối mặt với thời tiết cực đoan gia tăng

Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới, có thể sẽ phải chứng kiến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn, bao gồm các đợt sóng nhiệt khắc nghiệt, lũ lụt lớn và tình trạng hạn hán nghiêm trọng, đặt ra những thách thức đối với an ninh lương thực và an ninh năng lượng của quốc gia này.

Gia hạn giấy đăng ký lưu hành gần 8 880 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế
Gia hạn giấy đăng ký lưu hành gần 8.880 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa có quyết định công bố Danh mục 8.880 thuốc, nguyên liệu làm thuốc có giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 80/2023/QH15. Đây là đợt gia hạn đầu tiên của năm 2023 theo Nghị quyết số 80 của Quốc hội.