Thứ Bảy, 02/09/2017 11:10

Anh và EU chính thức đàm phán về thoả thuận hậu Brexit

Ngày 2/3, các nhà đàm phán Anh và EU sẽ bước vào phiên đàm phán đầu tiên về một thoả thuận quy định mối quan hệ tương lai giữa 2 bên thời hậu Brexit.

Anh khẳng định sẽ 'khôi phục độc lập' khỏi EU trước ngày 1/1/2021Sau Brexit, Anh chính thức đổi màu hộ chiếu kể từ tháng Ba

Đoàn đàm phán của EU do ông Michel Barnier dẫn đầu và đoàn đàm phán phía Anh do cố vấn cấp cao của Thủ tướng Anh, ông David Frost dẫn đầu ngày hôm nay, 2/3, chính thức gặp nhau tại Brussels để bắt đầu đàm phán về một thoả thuận mới cho mối quan hệ giữa EU và Vương quốc Anh thời hậu Brexit.

Theo lịch trình, hai bên sẽ đàm phán trong vòng 3 ngày và sẽ đưa ra kết luận trong ngày 5/3. Phiên đàm phán tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 3 tại Thủ đô London của Anh và các phiên sau đó sẽ luân phiên diễn ra trên lãnh thổ của mỗi bên, với mục tiêu mà phía Chính phủ Anh đặt ra là phải đạt được thoả thuận trước ngày 31/12/2020, tức thời điểm kết thúc thời hạn quá độ Brexit.

Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu (EU) Michel Barnier trong cuộc họp báo tại Brussels, Bỉ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tuy nhiên, ngay trước khi bước vào đàm phán, Trưởng đoàn phía EU, ông Michel Barnier cho rằng, thời gian đặt ra là một thách thức lớn cho cả hai bên: “Với thời gian đàm phán quá ngắn như thế, chúng ta không thể làm tất cả mọi thứ. Chúng tôi sẽ làm hết sức những gì có thể nhưng sức ép thời gian đàm phán này không phải do chúng tôi mà là do Chính phủ Anh đặt ra. Vì thế, cuộc đàm phán này sẽ rất phức tạp, có rất nhiều đòi hỏi, thậm chí rất khó khăn và chỉ có thể hoàn tất nếu các bên có lòng tin với nhau”.

Trước khi bước vào đàm phán, giữa Anh và EU hầu như chưa đạt được nhận thức chung trong bất cứ vấn đề quan trọng nào. Các cuộc đàm phán sắp tới sẽ bàn tất cả các khía cạnh trong quan hệ giữa Anh và EU, từ kinh tế, thương mại, cho đến pháp lý, hợp tác nghiên cứu khoa học hay an ninh quốc phòng. Trong số này, hai chủ đề được đánh giá gai góc nhất là về “sân chơi thương mại công bằng” và nghề cá.

Cụ thể, trong vấn đề thương mại, EU trước sau yêu cầu Vương quốc Anh duy trì một sân chơi công bằng với EU bằng cách tuân thủ các tiêu chuẩn ngang với EU trong lĩnh vực trợ cấp nhà nước, tiêu chuẩn môi trường và xã hội. Tuy nhiên, phía Chính phủ Anh tuyên bố, sau khi đã thực thi Brexit, nước Anh có chủ quyền toàn vẹn, đầy đủ và không có lí do gì phải tuân thủ các quy định như phía EU.

Thách thức lớn thứ 2 là các đàm phán trong lĩnh vực nghề cá. Phía EU muốn giữ nguyên trạng các quy định hiện nay trong lĩnh vực này, theo đó ngư dân của ít nhất 8 quốc gia EU có quyền tiếp tục đánh bắt cá trong vùng biển của nước Anh và xem đây như là một phần của môt thoả thuận thương mại mở rộng.

Tuy nhiên, phía Anh phản đối và đòi hỏi áp dụng mô hình hợp tác giữa EU và Na Uy hiện nay, tức là hai bên sẽ thảo luận từng năm một để đưa ra phạm vi và hạn mức đánh bắt cá cho từng bên. Anh cũng muốn tách vấn đề nghề cá ra khỏi thoả thuận thương mại.

 Áp lực đàm phán của phía EU trong chủ đề này rất lớn khi trước khi các cuộc đàm phán diễn ra, nhiều nguyên thủ châu Âu như Tổng thống Pháp hay Thủ tướng Tây Ban Nha đều tuyên bố sẽ bảo vệ đến cùng các ngư dân của mình.

Về tổng thể, đa số giới phân tích tại châu Âu nhận định, thời gian đàm phán trong 10 tháng là quá ít và hai bên cần gia hạn ít nhất thêm 6 tháng đàm phán mới có thể đạt kết quả./.

Theo VOV

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM