Thứ Sáu, 13/12/2019 17:23 (GMT+7)
Australia, Mỹ, Nhật phản đối hành động vi phạm luật pháp ở Biển Đông
Ba nước tái khẳng định phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) có trụ sở tại La Haye (Hà Lan) về Biển Đông “là cuối cùng và có tính ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên tranh chấp.”
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi gặp nhau tại Singapore. Nguồn: AAP
Tại cuộc gặp bên lề diễn đàn Đối thoại Shangri-La 2022, đang diễn ra ở Singapore, các bộ trưởng quốc phòng của Nhật Bản, Mỹ và Australia đã ra Tuyên bố Tầm nhìn chung 2022, trong đó phản đối các hành vi “đi ngược với luật pháp quốc tế” tại Biển Đông, nhất là các nội dung đã được phản ánh trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết tại cuộc gặp ở Singapore, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã bày tỏ quan ngại về tình hình ở Biển Đông và phản đối bất cứ nỗ lực đơn phương nào nhằm làm thay đổi hoặc ảnh hưởng tới hiện trạng Biển Đông thông qua việc quân sự hóa các thực thể tranh chấp và các hành động cưỡng ép hoặc dọa dẫm.
Ba nước tái khẳng định phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) có trụ sở tại La Haye (Hà Lan) về Biển Đông “là cuối cùng và có tính ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên tranh chấp.”
Tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của một giải pháp hòa bình tuân theo luật pháp quốc tế, nhất là các nội dung đã được phản ánh trong UNCLOS đối với các tranh chấp, trong đó có quyền tự do hàng hải và hàng không cùng các hoạt động hợp pháp khác trên vùng biển này.
Các bộ trưởng quốc phòng 3 nước đã tái khẳng định ủng hộ sự đoàn kết và vai trò trung tâm của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng như tầm quan trọng của khối này trong việc thúc đẩy các quy chuẩn và hành vi tích cực, đóng góp cho an ninh khu vực và xây dựng sự đồng thuận và hợp tác khu vực trong thực tiễn.
Các bộ trưởng phản đối bất cứ hành động đơn phương nào gây bất ổn hoặc mang tính cưỡng ép nhằm tìm cách thay đổi hiện trạng và gia tăng tình hình căng thẳng trong khu vực này.
Theo Vietnam+