Thứ Năm, 28/02/2019 17:28

Biến thể Delta làm phá sản “giấc mơ” miễn dịch cộng đồng

Trong bối cảnh biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan mạnh và thống trị trên toàn cầu, một câu hỏi đang được đặt ra là liệu mục tiêu dài hạn đạt được miễn dịch cộng đồng để ngăn chặn đại dịch COVID-19 thông qua tiêm chủng có còn khả thi hay không?

Thế giới khó đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng COVID-19

Dù khó đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng với biến thể Delta, tiêm vaccine vẫn là điều "tối quan trọng". Ảnh: Reuters/Tinhte

Về mặt lý thuyết, khả năng miễn dịch cộng đồng đạt được khi một ngưỡng dân số toàn cầu nhất định có được khả năng miễn dịch nhờ kháng thể được tạo ra thông qua tiêm chủng vaccine hoặc đã phục hồi sau khi bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên thực tế, với sự xuất hiện thường xuyên của nhiều biến chủng dễ lây nhiễm hơn, liệu có thể đạt được miễn dịch cộng đồng với COVID-19 hay không là điều còn phải tranh luận.

Theo nhà dịch tễ học Mircea Sofonea, “nếu câu hỏi là ‘liệu chỉ riêng việc tiêm phòng có thể giúp chúng ta ngăn chặn và kiểm soát đại dịch không?’ thì câu trả lời là: Không”. Ông cho rằng khả năng miễn dịch cộng đồng phụ thuộc vào hai yếu tố cơ bản: đó là khả năng lây nhiễm nội tại của virus và hiệu quả của vaccine trong việc bảo vệ chống lại sự lây nhiễm. Và hiện tại, chúng ta không đạt được hiệu quả đó!

Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 cho thấy có khả năng lây truyền cao hơn khoảng 60% so với biến thể Alpha và cao gấp đôi so với chủng ban đầu xuất hiện vào cuối năm 2019. Và khi virus có khả năng lây nhiễm sang người càng cao thì càng đẩy ngưỡng đạt miễn dịch cộng đồng lên cao hơn nữa.

Nhà dịch tễ học Antoine Flahault cho biết về mặt lý thuyết, đó là một phép tính rất đơn giản. “Đối với chủng virus ban đầu, có tỷ lệ lây nhiễm từ 0 đến 3 - nghĩa là mỗi người bị nhiễm có thể lây cho 3 người khác - khả năng miễn dịch cộng đồng có thể đạt được với khoảng 66% dân số được chủng ngừa… Nhưng nếu tỷ lệ lây nhiễm là 8, như với biến thể Delta, thì điều đó sẽ đưa ngưỡng đạt miễn dịch cộng đồng lên đến gần 90%”. Và thật không may là các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện tại cũng không đạt được hiệu quả 100% trong việc ngăn chặn sự lây lan của các ca nhiễm biến thể Delta.

Hiệu quả giảm dần

Theo dữ liệu được các nhà chức trách Mỹ công bố trong tuần này, hiệu quả của vaccine mRNA Pfizer và Moderna trong việc ngăn ngừa sự lây nhiễm COVID-19 đã giảm từ 91% xuống 66% kể từ khi Delta trở thành biến thể thống trị toàn cầu.

Song song đó, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hiệu quả của vaccine trong việc chống lại biến thể Delta giảm dần theo thời gian. Đó là một trong những lý do tại sao một số quốc gia hiện đang sẵn sàng cho chiến dịch tiêm chủng mũi vaccine thứ 3, hay còn gọi là liều tăng cường, vào mùa thu này.

Với tất cả các vấn đề trên, nếu không có các biện pháp bảo vệ khác như đeo khẩu trang hoặc giãn cách xã hội, nhà dịch tễ học Sofonea cho rằng sẽ cần có hơn 100% người dân được tiêm chủng để ngăn chặn các làn sóng lây nhiễm khác - một điều hiển nhiên là không thể.

Giáo sư Andrew Pollard, Giám đốc Oxford Vaccine Group của Anh, đã nói với các nhà lập pháp nước này rằng “biến thể Delta sẽ vẫn lây nhiễm cho những người đã được chủng ngừa và điều đó có nghĩa là bất kỳ ai chưa được tiêm chủng thì vào một thời điểm nào đó có thể sẽ nhiễm virus”. “Chúng ta không có bất kỳ thứ gì để ngăn chặn hoàn toàn sự lây nhiễm của virus”, Giáo sư Pollard nói thêm.

Vaccine vẫn “tối quan trọng”

Nhưng ngay cả khi mục tiêu về khả năng miễn dịch cộng đồng trở nên “không khả thi”, các chuyên gia nhấn mạnh việc tiêm phòng vẫn là điều “tối quan trọng”.

Một nghiên cứu gần đây của Đại học Imperial College London cho thấy những người đã tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 từ 18-64 tuổi có nguy cơ lây nhiễm thấp hơn khoảng 49% so với những người chưa chủng ngừa.

Ngoài ra, cũng như các loại vaccine chống lại các bệnh phổ biến hiện nay như sởi và cúm, vaccine ngừa COVID-19 cung cấp “khả năng bảo vệ tuyệt vời” hạn chế tình trạng trở nặng và tử vong.

“Những gì các nhà khoa học đang khuyến nghị là để có được số lượng người được bảo vệ tối đa” thông qua tiêm chủng, nhà dịch tễ học Flahault nói.

Tất nhiên, cuối cùng, tất cả các đại dịch đều kết thúc!

Tuy nhiên, nhà dịch tễ học Sofonea cho rằng theo thời gian, vẫn có khả năng COVID-19 sẽ trở thành một căn bệnh đặc hữu khác, ví như cúm mùa. Theo đó, ông hình dung về một tương lai gần, nơi việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội vẫn sẽ tiếp diễn ở một số vùng nhất định để hạn chế sự lây nhiễm và khiến bệnh trở nặng vì COVID-19.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ AFP)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dịch cúm gia cầm điều hướng thế giới mở rộng kế hoạch tiêm chủng vaccine
Dịch cúm gia cầm điều hướng thế giới mở rộng kế hoạch tiêm chủng vaccine

Tính từ năm 2015, Nông dân chăn nuôi vịt người Pháp Herve Dupouy đã 4 lần phải tiêu hủy đàn vịt của mình để ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm gia cầm. Dù vậy, khi đợt dịch một lần nữa bùng phát trong trang trại của ông, người nông dân Pháp Herve Dupouy khẳng định, đã đến lúc phải chấp nhận giải pháp tiêm chủng cho gia cầm.

Ngành Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực cửa khẩu
Ngành Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực cửa khẩu

Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Bộ Y tế đã tổ chức các đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo Bộ là trưởng đoàn, đi kiểm tra công tác phòng, chống, giám sát dịch bệnh, nhất là tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc COVID-19; bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp lễ hội Xuân 2023 và khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân tại một số địa phương trọng điểm.