Thứ Ba, 18/04/2017 14:39

Brexit - Cuộc chạy đua với thời gian của Anh và EU

Sau cuộc họp đến nửa đêm 17/10 (theo giờ Bỉ), cả Anh và EU đã có một cuộc chạy đua với thời gian để cuối cùng đạt được một thỏa thuận trước khi các nhà lãnh đạo châu Âu bước vào Hội nghị thượng đỉnh.

Anh và EU đạt được thỏa thuận Brexit mớiTác động từ Brexit, Đông Nam Á có thể sẽ chào đón thêm nhiều doanh nghiệpEU-Anh khó đạt thoả thuận Brexit trong tuần nàyNước Anh còn một chặng đường dài trước khi đạt được thỏa thuận BrexitNguy cơ Brexit không thoả thuận khiến doanh số bán lẻ tại Anh giảm

Cờ EU (trái) và cờ Anh. Ảnh: France 24

Chạy đua với thời gian

Ngày 17/10 quả thực là một ngày căng như dây đàn tại Thượng đỉnh EU khi đến hết buổi sáng, bản thoả thuận Brexit mới vẫn chưa thể hoàn tất và cùng lúc đó tại Anh, đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland (DUP) phát đi một thông báo cho biết họ sẽ không ủng hộ những nội dung mà Thủ tướng Anh Boris Johnson đang dự định thoả thuận với EU. Tuy nhiên, ông Boris Johnson đã sớm có mặt ở Brussels và có cuộc thảo luận với Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker. Sau đó đích thân hai ông Juncker và Johnson ra thông báo đã đạt được thoả thuận.

Mấu chốt ở đây không phải là các vấn đề kỹ thuật của thoả thuận bởi rất nhiều thông tin cho thấy là về cơ bản, thoả thuận đã được chốt xong trong đêm 16/10, trừ vướng mắc nhỏ liên quan đến thuế giá trị gia tăng VAT. Cú hích quan trọng nhất giúp hai bên đạt được thoả thuận, như Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, ông Michel Barnier công bố sau đó, là lời đảm bảo từ phía ông Boris Johnson rằng ông sẽ có cách để thoả thuận này được Hạ viện Anh thông qua.

Nói cách khác thì sự đồng ý của phía EU đến từ một vụ đặt cược chính trị có yếu tố rủi ro. Nhưng như giới ngoại giao EU nhận định, nếu có một chính trị gia nào tại Anh đủ sức thuyết phục được các nghị sĩ Anh chấp nhận thoả thuận Brexit mới, thì đó chỉ có thể là ông Boris Johnson.

Tuy nhiên, bước ngoặt lớn nhất mang đến thoả thuận Brexit mới trong ngày 17/10 là cuộc gặp kín trước đó đúng 1 tuần giữa Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng CH Ireland Leo Varadkar tại Tây Bắc nước Anh.

Trong cuộc gặp này, ông Boris Johnson đã đưa ra các nhượng bộ quan trọng, đầu tiên là không trao cho đảng DUP quyền phủ quyết các vấn đề liên quan đến Bắc Ireland và tiếp theo là vấn đề kiểm tra hải quan ở biên giới. Cũng sau cuộc gặp đó thì ông Leo Varadkar đã đồng ý để EU bước vào các đàm phán sâu hơn với phía Anh.

Sự phản đối của DUP với thỏa thuận Brexit mới

Vấn đề về thuế VAT được nhắc đến trong thoả thuận mới, theo đó biểu thuế của Vương quốc Anh vẫn sẽ được áp dụng tại Bắc Ireland nhưng hải quan Anh sẽ phải có trách nhiệm thu thuế VAT với các sản phẩm từ một nước thứ 3 đi qua đất Bắc Ireland để tiến vào thị trường châu Âu.

Ngoài ra, các mặt hàng được miễn thuế VAT tại CH Ireland cũng sẽ được miễn tại Bắc Ireland. Nhìn chung thì đây là một chủ đề thuần tuý kỹ thuật khá phức tạp nhưng được đảng DUP sử dụng như một lá bài nhằm gây sức ép và đánh đổi lợi ích với chính phủ Anh. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, cuối cùng thì ông Boris Johnson dường như đã gạt bỏ DUP sang một bên, ít nhất là vào thời điểm hiện nay, để đạt được thoả thuận với EU, dẫn đến việc DUP tuyên bố sẽ bỏ phiếu chống thoả thuận mới này.

Đảng DUP chỉ có 10 ghế tại Nghị viện Anh, về lý thuyết là quyền lực không đáng kể. Tuy nhiên, vào tháng 6/2017, Thủ tướng Anh khi đó là bà Theresa May đã có một tính toán sai lầm là tổ chức tổng tuyển cử sớm khiến đảng Bảo thủ đánh mất đa số tuyệt đối tại Hạ viện Anh và buộc phải liên minh với đảng DUP để có đủ đa số. Vì thế, bất cứ sự phản đối nào của DUP cũng có nguy cơ khiến chính phủ của đảng Bảo thủ mất đa số ủng hộ, tức sẽ thất bại khi bỏ phiếu tại Hạ viện Anh. Chính DUP là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến thoả thuận Brexit của bà Theresa May 3 lần bị Hạ viện Anh bác bỏ.

Ngoài ra, quyền lực của DUP còn nằm ở quan hệ rất mật thiết giữa đảng này với nhóm mang tên là “Nhóm nghiên cứu châu Âu” (ERG), tức là cánh hữu bảo thủ nhất trong đảng Bảo thủ. Nhóm này có hơn 20 ghế trong Hạ viện Anh và hầu như luôn cùng quan điểm với DUP, thậm chí coi ý kiến của DUP là quan trọng nhất. Vì thế, nếu đảng DUP chống lại ông Boris Johnson thì kéo theo đó sẽ có khoảng hơn 20 nghị sĩ khác chống lại.

“Cửa ải” Quốc hội

Sau khi đạt thoả thuận với EU, ông Boris Johnson sẽ phải mang thoả thuận quay trở lại với “cửa ải” Quốc hội. Trừ trường hợp ông Boris Johnson thuyết phục được đảng DUP thay đổi quan điểm, nếu không thì khi đem ra bỏ phiếu tại Hạ viện Anh vào ngày 19/10, thoả thuận Brexit của ông Johnson sẽ phải nhận ít nhất là 10 phiếu chống từ DUP, cộng thêm đồng minh của đảng này.

Tuy nhiên, thực tế là kể cả khi có được sự ủng hộ từ DUP thì theo tính toán, hiện tại ông Boris Johnson vẫn thiếu đến gần 30 phiếu nữa. Lý do là vì vào tháng trước ông Johnson đã quyết định khai trừ 21 nghị sĩ của đảng Bảo thủ sau khi các nghị sĩ này bỏ phiếu ủng hộ dự luật Benn, tức luật buộc ông Johnson phải đề nghị gia hạn Brexit nếu không có thoả thuận trước ngày 19/10.

Vì vậy, để có được đa số, ông Boris Johnson sẽ phải vừa thuyết phục được đảng DUP, vừa lôi kéo trở lại 21 nghị sĩ đã bị khai trừ và còn phải vận động thêm được một số nghị sĩ khác trong hàng ngũ Công đảng. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, không chỉ bởi ông Johnson có quá ít thời gian (1 ngày) mà còn vì các đảng đối lập vẫn đang chống thoả thuận Brexit mới rất quyết liệt. Giới phân tích thậm chí cho rằng nếu ông Johnson làm được điều này thì đó sẽ là điều thần kỳ. Do đó, có lẽ chúng ta sẽ còn phải chứng kiến nhiều biến động tiếp theo của Brexit trên chính trường Anh.

Theo VOV

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN và EU nắm giữ vai trò quan trọng trong phục hồi đa dạng sinh học
ASEAN và EU nắm giữ vai trò quan trọng trong phục hồi đa dạng sinh học

Đây là nhận định được đưa ra trong một bài viết được đăng tải trên Tờ The Straits Times, của các tác giả là ông Shawn Lum, Chủ tịch Hiệp hội Tự nhiên (Singapore) và ông Vinayagan Dharmarajah, Giám đốc khu vực châu Á thuộc Hiệp hội BirdLife International (Vương quốc Anh).