Thứ Sáu, 17/04/2020 21:26

“Cam kết chính trị bền vững” vì một thế giới khỏe mạnh hơn

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) António Guterres vừa thúc giục các Chính phủ trên toàn thế giới ưu tiên chăm sóc sức khỏe, trong một lời kêu gọi "cam kết chính trị bền vững" để các quốc gia có thể chuẩn bị tốt hơn trước những cú sốc trong tương lai.

Ngày Sức khoẻ Thế giới: “Sức khỏe là quyền, không phải một đặc ân”Tỷ lệ béo phì của trẻ em trên thế giới tăng mạnh trong vòng 40 năm

Trẻ em được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại thành phố Hannover, Đức. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Nhằm đạt được điều này, “những quốc gia giàu có hơn và các tổ chức tài chính quốc tế cần hỗ trợ các quốc gia đang phát triển thực hiện những khoản đầu tư quan trọng”, người đứng đầu LHQ lưu ý.

Lời kêu gọi nói trên được ông António Guterres đưa ra trong một bài phát biểu gửi đến phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Y tế Thế giới 2022 (WHS). Sự kiện đang được tổ chức tại Thủ đô Berlin (Đức), từ ngày 16-18/10. Hội nghị thường niên được đồng chủ trì bởi Tổng thống các quốc gia Đức, Pháp và Senegal; cùng với Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus.

Theo Tổng Thư ký LHQ, phụ nữ nằm trong số những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Họ đang gánh trên vai một gánh nặng chăm sóc ngày càng tăng trong các gia đình, và với tư cách là những người ở tuyến đầu. Đồng thời, nhiều phụ nữ đã bị mất thu nhập do tình trạng mất việc làm, cũng như các mạng lưới an toàn không đầy đủ.

Đại dịch COVID-19, và bây giờ là các cú sốc về lương thực, năng lượng và tài chính đang đe dọa 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững của LHQ và các nỗ lực xóa đói giảm nghèo. Từ đó, ông António Guterres khẳng định: “Tất cả mọi người cần được tiếp cận các dịch vụ y tế một cách toàn diện, công bằng và bình đẳng, để thực hiện bao phủ sức khỏe toàn dân”, điều này bao gồm cả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Theo người đứng đầu LHQ, sức khỏe tốt là nền tảng cho xã hội hòa bình và ổn định.

Cũng tại lễ khai mạc, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay, để thực hiện chủ đề "Nâng sức khỏe toàn cầu lên một tầm cao mới", chủ đề của hội nghị năm nay, nỗ lực này được chuyển thành 3 ưu tiên chính. Thứ nhất, một hiệp ước quốc tế mới liên quan cách thức ứng phó với các đại dịch trong tương lai đang được các quốc gia đàm phán; đây là chìa khóa quan trọng để thế giới có thể thực sự xích lại gần nhau khi đối mặt với các đại dịch tiếp theo.

Thứ hai, cần có một "kiến trúc toàn cầu" mới, với sự gắn kết và bao trùm. Phản ứng COVID-19 cho thấy, cần có các công cụ mới và tốt hơn để củng cố tất cả. Thứ ba, phải thực hiện một cách tiếp cận toàn cầu mới, trong đó ưu tiên tăng cường sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật, chứ không chỉ điều trị bệnh. Có quá nhiều hệ thống y tế không cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, họ cung cấp dịch vụ chăm sóc bệnh tật, Tổng Giám đốc WHO nhận định; đồng thời cho rằng, chăm sóc sức khỏe cần được xem là việc không chỉ thuộc một bộ hay một ngành, mà là của "toàn Chính phủ và toàn xã hội".

LÊ THẢO

(Lược dịch từ UN News & WHS)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM